Nhiều dự án Hà Nội tăng giá: Thị trường khó chấp nhận, người mua “tẩy chay” nơi đẩy giá biên độ lớn
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Hội môi giới BĐS Việt Nam, việc tăng giá mạnh tại một số dự án Hà Nội không được thị trường chấp nhận. Điều này thể hiện ở một số hiện tượng: Đầu cơ sụt giảm, phân khúc có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ thấp, đặc biệt với những dự án đẩy giá với biên độ lớn.
Năm 2019, nguồn cung lẫn giao dịch đều giảm
Tại buổi công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2019 diễn ra sáng nay (9/1), ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý về thị trường năm 2019.
Cụ thể, theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản, thị trường bất động sản nhà ở cả nước năm 2019 cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch.
Theo đó, lượng cung năm 2019 đạt 107.284 sản phẩm, chỉ đạt 61,5% so với với năm 2018. Lượng giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, chỉ đạt 64,7% so với năm 2018.
Riêng tại Hà Nội, năm 2019 có 58 dự án với 26.809 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng. So với năm 2018, giảm 3.019 sản phẩm.
Đáng lưu ý, lượng cung căn hộ chào bán đang phát triển mất cân đối giữa các vùng. Tại Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông... lượng cung rất lớn vượt xa so với nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Còn tại một số quận trung tâm, nhu cầu vẫn rất lớn nhưng lượng cung hạn chế bởi quỹ đất để phát triển dự án gần như không còn.
Sau quãng thời gian dài giá bán căn hộ tương đối ổn định, sự khan hiếm sản phẩm mới trong thời gian dài đã đẩy giá bán căn hộ trung và cao cấp tăng 3-5%.
Năm 2019, tại TP.HCM có 47 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng.
Tại một tỉnh thành khác, ông Đính cho biết, những năm gần đây được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước nhưng do quản lý chưa tốt đã làm bùng nổ giá đất, tạo sốt ảo.
“Sang năm 2019, giá đất đã bình ổn nhưng các nhà đầu tư vẫn đang mong chờ những động thái tích cực hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đính nói.
Giá bị đẩy lên cao, thị trường không chấp nhận.
Cũng theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính là tăng giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội, TP.HCM.
“Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển nguồn mà là do tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đính cho hay.
Đáng lưu ý, theo ông Đính, việc tăng giá mạnh lại không được thị trường chấp nhận thể hiện ở một số hiện tượng: Đầu cơ sụt giảm, phân khúc có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ thấp (đặc biệt với những dự án đẩy giá với biên độ lớn).
Ông Đính cho biết, quan sát cho thấy, từ quý 4/2019 khi nhận thấy thị trường khan hàng nhiều chủ đầu tư bắt đầu điều chỉnh tăng giá. Với mức giá 25 triệu đồng/m2 chỉ có thể mua được ở những khu vùng ven như Hà Đông, Đông Anh, Gia lâm. Còn dịch chuyển gần trung tâm thì thấp nhất cũng phải từ 30 triệu đồng/m2.
Thậm chí theo ông Đính, ngay một số án trục đường Tố Hữu, trước đây bán 25 triệu đồng/m2 nay đẩy giá lên 27 - 30 triệu đồng/m2. Việc tăng giá này được diễn ra trong bối cảnh giá nhà ổn định nhiều năm nay, bây giờ bắt đầu tăng đột biến nên người mua khó chấp nhận.
Theo lãnh đạo Hội môi giới Việt Nam, không chỉ bắt đầu tăng giá bán, có những dự án “găm" hàng để chờ đẩy giá. Đó là bài toán của doanh nghiệp xem cũng nên xem lại hiệu quả. Tăng giá nhưng không bán được so với việc bán tốt để thu hồi vốn, triển khai dự án khác, nên được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nguyễn Mạnh