Nhà phố giá vài trăm triệu đồng mỗi m2, lo ế không ai mua thời Covid - 19
(Dân trí) - Buôn bán khó khăn, bất động sản cho thuê lao đao. Kèm theo đó những nhà mặt phố vốn có vị trí đắc địa, nằm trên “đất vàng" bỗng trở nên… kén khách.
Giá nhà phố vốn đắt lại còn tăng mạnh
Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp đang tác động lớn tới bất động sản. Buôn bán khó khăn, bất động sản cho thuê lao đao. Kèm theo đó những nhà mặt phố vốn có vị trí đắc địa, nằm trên “đất vàng" bỗng trở nên… kén khách.
Bà N.T.T - một nhà đầu tư nhà phố lâu năm tại TP.HCM mua một căn trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp diện tích 3,5x27m với giá 12 tỷ đồng. Bà này cho biết hiện đang rất lo lắng vì rao mãi không bán được.
Một chủ nhân căn nhà mặt phố khu vực Hà Nội cũng chia sẻ lo ngại việc giao dịch không thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hoành.
“Nhà mặt phố vốn lợi thế để kinh doanh, giờ kinh tế ảm đạm, bao người phải đóng cửa trả mặt bằng thì ai sẽ chịu mua nhà giá cao đây…”, vị này lo ngại.
Để xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024, liên ngành thành phố Hà Nội năm 2019 đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương về phương án điều chỉnh giá đất.
Kết quả khảo sát cho thấy có những khu vực tại quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bông, Hàng Bạc có giá chuyển nhượng tới trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2...
Thực tế giá cả của phân khúc nhà phố vô cùng đắt đỏ. Không chỉ ở Thủ đô, TP.HCM cũng có mức giá cực kỳ cao cho mỗi mét vuông nhà phố.
Theo khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn, trên địa bàn các quận 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận thuộc TP.HCM hiện giá nhà lẻ trung bình từ 100-180 triệu/m2, nhà mặt phố dao động từ 200-450 triệu/m2.
Còn tại khu vực quận 11, gần kề các tuyến đường 3/2, Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Đại Hành, Hồng Bàng, u Cơ, Minh Phụng… nhiều căn nhà diện tích chỉ tầm 25-35m2 chào bán giá 7-12 tỷ đồng/căn, nếu là mặt tiền đường thì giá trung bình từ 15-40 tỷ đồng/căn.
Các căn nhà diện tích sử dụng tầm 15-17m2 trong các hẻm nhỏ giá cũng từ 3-4 tỷ đồng/căn. Phía Tây thành phố, quận 12, Tân Phú cũng rục rịch ghi nhận mặt bằng giá nhà mềm nhất cũng từ 4,8-7 tỷ đồng.
Không chỉ giá cao mà phân khúc này cũng tăng mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả nghiên cứu từ dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong năm 2019, giá nhà lẻ, nhà mặt phố tại TP.HCM tính theo khu vực có nhiều nơi tăng từ 15-20%.
Quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12 là những khu vực có biến động giá bán nhà phố tăng khá cao, trung bình từ 13-17%. Với khu vực trung tâm quận 3, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, tuy mức tăng chỉ dao động từ 11-12% nhưng do giá chào bán tại các khu vực này thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba các quận ngoại thành nên xét về giá bán cũng đã tăng khá cao.
Vì sao người mua - người bán khó gặp nhau?
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, giá loại hình nhà lẻ, nhà phố tại TP.HCM đang có xu hướng tăng quá nhanh. Giá bán loại hình này bị ảnh hưởng nhiều từ xu hướng tăng giá của căn hộ và nhà phố thương mại tại TP.HCM thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nhu cầu mua nhà phố, nhà lẻ hiện tại phần lớn rơi vào khoảng tầm 70-200 triệu/m2, sản phẩm chào bán hiện hữu chủ yếu ở khoảng giá từ 150-450 triệu/m2. Điều này khiến cung – cầu gần như không gặp được nhau.
Theo ông Quốc Anh, hiện nay, trong bối cảnh kinh doanh mặt bằng có nhiều khó khăn, việc cho thuê không mang lại lợi nhuận cao nên giá thuê nhà phố bán lẻ có phần giảm nhẹ. Nhà đầu tư nếu tiếp tục giữ giá cao sẽ rất khó ra hàng.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng cho biết, do là sản phẩm có nguồn hàng hữu hạn, ít cạnh tranh, pháp lý minh bạch và mang lại hiệu quả kinh doanh thiết thực, nhà phố, nhà lẻ nội thành vẫn sẽ chiếm ưu thế và được ưa chuộng.
Một trong những khó khăn của bất động sản nói chung thời Covid -19 đó là tâm lý e ngại đến chỗ nơi đông người của khách hàng.
Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, doanh nghiệp lớn cũng gặp phải khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (TP.HCM) cho biết, tâm lý khách hàng trong thời điểm này sẽ e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ nên các doanh nghiệp chỉ còn cách chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và bán hàng.
Nguyễn Mạnh