Nhà đầu tư vẫn dò đáy bất động sản
(Dân trí) - Mặc dù thời gian qua thị trường đã xuất hiện những điểm sáng tích cực, song nhà đầu tư vẫn có tâm lý e ngại. Thị trường cuối năm liệu sẽ ra sao?
Nhà đầu tư dò đáy
Thị trường bất động sản thời gian qua có những khởi sắc khi lượng giao dịch đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, trong quý III, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có khoảng 29.723 giao dịch thành công, bằng 99,99% so với quý trước.
Trong quý III, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án bất động sản đã tăng so với quý II trước đó. Mặc dù thanh khoản đã tăng hơn so với trước, song vẫn được đánh giá là chưa cải thiện nhiều.
Có thể thấy, thời gian qua, những nỗ lực của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương,... đã góp phần tích cực giúp thị trường xuất hiện những điểm sáng le lói. Tuy nhiên, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản trên thị trường vẫn có sự e dè nhất định khi xuống tiền.
Đang có ý định mua vào bất động sản, anh Nguyễn Văn Khánh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thời gian qua liên tục đi tìm những mảnh đất nền tại vùng ven. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa tìm được mảnh đất có mức giá giảm sâu khoảng 30-40% so với ban đầu đề ra.
"Hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm giảm nên tôi nghĩ sẽ mua đất tích sản. Sau khoảng hơn 1 tháng tìm kiếm, tôi thấy giá đất hiện nay giảm khoảng 20%. Tôi cho rằng giá có thể giảm thêm nên vẫn tiếp tục chờ đợi. Thời gian này tôi vẫn đi tìm, nếu có mảnh đất ưng ý giá chiết khấu tốt sẽ xuống tiền", anh Khánh nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thùy Liên (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang ráo riết tìm kiếm đất nền tại các tỉnh và vùng ven. Chị cho biết, giá đất ở tỉnh đã chiết khấu khá sâu so với đầu năm 2022. Tuy nhiên, để tìm được mảnh đất có đủ tiêu chí, vị trí, pháp lý, mức giá cần tốn nhiều thời gian.
"Tôi vẫn đang tìm kiếm đất và tiếp tục sẽ nghe ngóng thêm tín hiệu từ thị trường", chị Liên nói.
Thị trường khó trỗi dậy vào cuối năm
Không ít chuyên gia bất động sản đánh giá thị trường bất động sản còn đối mặt với những khó khăn trong 2 tháng còn lại của năm nay.
Đánh giá về thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - cho rằng dấu hiệu trầm lắng còn kéo dài trong năm nay. Bởi nguồn vốn cho bất động sản hiện vẫn nhỏ giọt. Đặc biệt, thị trường trái phiếu gần như đóng băng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, điểm mấu chốt khác là do thị trường bất động sản không cung cấp được sản phẩm vừa túi tiền của người Việt. Các nhà kinh doanh bất động sản tập trung quá nhiều vào sản phẩm cao cấp. Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình.
"Ngân hàng Nhà nước trong năm nay đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Tuy nhiên đến hiện tại, mức tăng trưởng tín dụng còn thấp. Điều này khiến tác động mạnh đến bất động sản. Trong hơn 2 tháng còn lại của năm 2023, thị trường khó có sự trỗi dậy", vị chuyên gia nói.
Còn theo dự báo của một bên nghiên cứu thị trường, thị trường bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy. Tuy nhiên, đơn vị này dự báo thận trọng, chu kỳ tăng trưởng mới của bất động sản Việt Nam sẽ không đi theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ là hồi phục và tăng trưởng theo biểu đồ hình chữ U.
Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho biết, thời điểm quý IV năm nay thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên. Dat Xanh Services đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản quý cuối của năm nay.
Cụ thể, ở kịch bản lý tưởng, nguồn cung giảm 20-30%, lãi suất dưới 10-12%, giá bán tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ 40-50%. Ở kịch bản kỳ vọng, nguồn cung giảm 30-50%, giá bán đi ngang, lãi suất 11-13%, tỷ lệ hấp thụ 20%. Còn ở kịch bản thách thức, nguồn cung giảm trên 50-60%, giá bán giảm 20%, lãi suất trên 14% tỷ lệ hấp thụ 10%.