Nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong giảm quan tâm tới bất động sản Việt Nam?
(Dân trí) - Nhu cầu bất động sản sụt giảm một phần do chính sách thắt chặt cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại. SSI còn cho rằng, nguyên nhân cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam quý II/2019 với tiêu đề "Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng” của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản quý II tăng 4,3%, mức thấp nhất 3 quý và cũng thấp hơn so với cùng kỳ (4,56%).
Theo nhóm nghiên cứu, ngành bất động sản thực tế có thể tăng trưởng chậm hơn so với con số thống kê do nhiều nguyên nhân. Về phía cung, các thủ tục hành chính để hình thành và phát triển dự án đang có dấu hiệu chậm lại. Về phía cầu, đó là chính sách thắt chặt cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại.
"Cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Hong Kong giảm quan tâm đến thị trường bất động sản Việt nam vì lý do kinh tế”, báo cáo của SSI nêu.
Trước đó, báo cáo về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản cũng cho thấy, thị trường Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường.
Tính chung cả 6 tháng, lượng cung bất động sản nhà ở đạt 12.976 sản phẩm, bằng 76,05% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lượng giao dịch bất động sản nhà ở đạt 8.899 sản phẩm, bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2018.
"Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản", báo cáo nêu.
Riêng, về nguồn cung 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, ảnh hưởng của đợt rà soát pháp lý các dự án bất động sản theo Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 23-4-2019) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh khiến nguồn cung bất động sản giảm sút.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Tại TPHCM, mức độ giảm mạnh hơn khi tổng nguồn cung giảm gần 50%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, dù nguồn cung sụt giảm, giá bất động sản vẫn cao. Riêng tại TPHCM, giá căn hộ tăng từ 10 đến 30%, đất nền nhiều nơi tăng gần 30-40%.
Theo công bố tiêu điểm quý II/2019 thị trường bất động sản của CBRE cũng cho thấy, trong 3 năm qua, mức giá sơ cấp trên toàn thị trường đã tăng trung bình là 7% mỗi năm. Trong giai đoạn 2020 - 2021, tốc độ tăng giá trên thị trường sơ cấp dự kiến trung bình là 5-10% theo năm.
"Phân khúc trung cấp sẽ tăng chậm hơn vì có lượng nguồn cung lớn ở các khu vực phía Đông, Tây và Nam. Phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm do khan hiếm nguồn cung cũng như chất lượng dự án ngày càng tốt hơn. So với phân khúc hạng sang, phân khúc cao cấp sẽ có mức tăng thấp hơn là 6% theo năm vì sản phẩm tốt nhưng vị trí xa trung tâm hơn. Phân khúc bình dân sẽ tăng không nhiều và duy trì mức tăng 3% theo năm", CBRE dự báo.
Tương tự, thị trường Hà Nội cũng chứng khiến xu hướng tăng giá. Theo thống kê của CBRE, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tại quý II/2019 ghi nhận ở mức 1.337 USD/m2, tăng 4% theo năm. Nếu so sánh cùng một rổ các dự án theo năm, mức giá sơ cấp tăng 1%. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp ghi nhận mức giá trung bình là 2.345 USD/m2 – mức giá cao nhất ở phân khúc này trong vòng năm năm trở lại đây.
Phương Dung