Khó sở hữu nhà trước tuổi 30

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng giá nhà liên tục tăng trong nhiều năm, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Giá nhà có thể giảm hay không là câu hỏi khó, thách thức rất lớn của thị trường.

Tại tọa đàm Bất động sản 2025 do VTV Digital phối hợp tổ chức, câu chuyện về giá bất động sản và khả năng sở hữu nhà của người trẻ, gia đình trẻ được nhiều người quan tâm.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng với mức sống ở TPHCM, sở hữu nhà trước tuổi 30 với đại đa số người dân là vô cùng khó. Để có thể sở hữu, người trẻ và các gia đình trẻ cần sự hỗ trợ từ chính sách. Tuy nhiên, ông Phước cũng nhận thấy tâm lý sở hữu nhà của giới trẻ đang giảm, dưới 30 tuổi không quá quan tâm tới điều này, vì ngại áp lực tài chính, phải phấn đấu quá nhiều.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định giá bất động sản tăng nhanh khiến cơ hội sở hữu nhà xa tầm với của người dân. Điểm lại giai đoạn 2012-2013, ông Hiển nói giá căn hộ trung cấp tại TPHCM khoảng 22-25 triệu đồng/m2, cao cấp khoảng 30 triệu đồng/m2, còn lương chuyên viên văn phòng khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Sau hơn thập kỷ, đến năm nay, giá căn hộ trung cấp đã ở mức 50-65 triệu đồng/m2, nhưng lương chuyên viên văn phòng chỉ ở khoảng 25 triệu đồng/m2. Tiền lương không theo kịp đà tăng giá bất động sản, ông Hiển khẳng định.

Khó sở hữu nhà trước tuổi 30 - 1

Giá nhà tăng nhanh khiến người dân khó tiếp cận nhà ở (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Giá bất động sản có thể giảm hay không để người dân dễ tiếp cận nhà ở? Câu hỏi lớn này được bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - cho rằng chưa có lý do gì để các chủ đầu tư giảm giá bán. Bà cũng cho rằng đây là câu hỏi khó, là thách thức rất lớn của thị trường. Bởi nhìn vào nguồn cung hiện tại, 80% là căn hộ cao cấp, hạng sang và giá sẽ tăng đều 8-10%/năm.

Để giá bất động sản giảm, chuyên gia của CBRE Việt Nam khuyến nghị cần đẩy mạnh giãn dân, mở rộng vùng đô thị. Tại TPHCM, nhà đầu tư có thể nhìn thấy nhiều khu vực trung tâm có giá 150-200 triệu đồng/m2 căn hộ, nhưng khu vực vùng ven chỉ 40-50 triệu đồng/m2. Do đó, nếu người dân có thể đi xa hơn thì giá sẽ giảm, nhưng đó là câu chuyện của 5-10 năm nữa.

Nhìn lại thị trường bất động sản 10 năm qua, số liệu của đơn vị trên cho biết giai đoạn 2011-2012, nguồn cung căn hộ mới ở cả TPHCM và Hà Nội giảm, còn khoảng 15.000-17.000 căn, giá bán cũng giảm 7-10%. Thị trường chứng kiến đà giảm sâu về giá bán căn hộ. Đây là thời điểm lãi vay cao 15-17%/năm, chỉ số CPI cũng cao, tăng trưởng GDP trung bình 5,6%/năm.

Khó sở hữu nhà trước tuổi 30 - 2

Giá nhà và nguồn cung tại TPHCM, Hà Nội trong 10 năm (Nguồn: CBRE Việt Nam).

Sau giai đoạn khó khăn, giai đoạn 2013-2014, thị trường phục hồi trở lại, nguồn cung tăng. Số lượng căn hộ chào bán mới lên 20.000 căn, rồi 30.000-40.000 căn, đỉnh điểm 80.000 căn vào năm 2016. Thời điểm này, chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực hỗ trợ thị trường, lãi vay thấp, người mua hưởng lợi vay mua nhà. Giá căn hộ cũng tăng vừa phải, khoảng 3-4%/năm. Thị trường cũng đón nhận cú hích từ Luật Đất đai 2014 và các hiệp định.

Chuyên gia của CBRE Việt Nam nhìn thấy chu kỳ thị trường sau 10 năm đang có sự lặp lại. Năm 2024 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, thị trường đón nhận khoảng 30.000 căn hộ, 80% đến từ Hà Nội. Năm 2025, thị trường dự kiến có khoảng 35.000-40.000 căn. Điều này cho thấy có phục hồi nhưng cần thời gian dài để trở về mức cao điểm.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM - nhận định năm 2024, thị trường bất động sản có hồi phục nhưng chậm. Nguồn cung được cải thiện hơn so với giai đoạn 2022-2023.

Từ ngày 1/8, 3 luật liên quan đến bất động sản được thông qua, các nghị định triển khai thi hành luật cũng có hiệu lực cùng lúc. Điều này chưa từng có trong việc xây dựng pháp luật ở Việt Nam, thể hiện tính đồng bộ, khẩn trương, nghiêm túc. Thị trường ngày càng minh bạch, đảm bảo pháp luật, giảm thiểu rủi ro cho người dân.

Cũng theo ông Hồ, các luật ra đời cơ bản giải quyết được một số vướng mắc, tuy nhiên các thủ tục vẫn phải thực hiện đầy đủ. Thời gian ra dự án vẫn lâu, dẫn đến kéo dài, làm nhà đầu tư mòn mỏi.

TPHCM có nhận diện được việc này, đã lập tổ công tác để thẩm định ở ngay bước chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhằm tránh sự chồng chéo. Trước mắt, tổ công tác này sẽ thẩm định các dự án nhà ở xã hội, sau đó tới nhà ở thương mại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm