Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch tìm đất, tuyển lao động tại Phú Quốc
(Dân trí) - Trước thông tin Phú Quốc chuẩn bị đón khách du lịch quay trở lại, không ít nhà đầu tư nước ngoài cũng rục rịch tìm đất, thành lập doanh nghiệp và tuyển lao động tại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài sốt sắng
Sau một thời gian "đóng băng" vì dịch bệnh, người dân Phú Quốc đang vui mừng trước thông tin thành phố có thể đón du khách trở lại vào tháng 10. Đáng chú ý, hiện nay, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng rục rịch phương án để đầu tư trở lại vào hòn đảo này.
Đang chuẩn bị cho kế hoạch trở lại Phú Quốc, bà Nguyễn Thái Bảo - đại diện một đơn vị chuyên về bất động sản tại Hồng Kông - cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm thị trường Phú Quốc, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nga, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo bà Bảo, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân tại đây đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn được cấp lưu trú trung và dài hạn theo số vốn đầu tư tại Phú Quốc.
Bà Bảo thông tin, khách hàng từ nước ngoài đang nhờ công ty đại diện tại Việt Nam tìm hiểu thị trường và tuyển lao động. Các nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm tới việc thành lập các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và cơ sở lưu trú. Hiện nay, trong khu vực Bãi Trường đã có nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng do người Nga, Hàn Quốc làm chủ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Tổng Giám đốc một công ty bất động sản chuyên thị trường Phú Quốc - tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài tại Phú Quốc còn khá thấp so với nhà đầu tư trong nước do hầu hết dự án không bán cho người nước ngoài. Nhà đầu tư Việt kiều lại đang chiếm tỷ lệ lớn tại đây.
Cụ thể, ông Hải cho biết, Việt kiều Đức và Nga là nhóm nhà đầu tư lâu đời tại đảo. Hàng chục năm qua, họ trở thành những nhà đầu tư đất nền lớn tại Phú Quốc. Thậm chí, các Việt kiều còn nắm giữ các dự án lớn tại đây. "Nhóm khách hàng là Việt kiều cũng đang có động thái tìm đất, tuyển lao động và thành lập công ty để phát triển khi Phú Quốc mở cửa đón du khách trở lại", ông Hải khẳng định.
Thị trường bất động sản Phú Quốc hiện chưa có dấu hiệu "nóng" lên. Theo khảo sát của Dân trí, giá đất tại 2 phường trung tâm Dương Đông và An Thới không biến động nhiều, dao động từ 120 triệu đồng đến 200 triệu đồng/m2 tại các đường trung tâm như Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trung Trực. Cá biệt, khu trung tâm Dương Đông có nơi giá lên tới 300 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đất trong ngõ tại khu vực này có giá trong khoảng 30-70 triệu đồng/m2. Khu vực An Thới dao động 25-40 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, giá đất ven biển có thể mạnh phát triển du lịch như khu vực Gành Dầu đã tăng từ 17 triệu đồng/m2 lên 19-20 triệu đồng/m2. Giá đất quy hoạch gần trục đường lớn tại đây cũng ghi nhận tăng từ 7-10 triệu đồng/m2 lên 12 triệu đồng/m2.
Tại Bãi Trường, đất nền các dự án có hướng nhìn trực tiếp ra biển có giá 35-40 triệu đồng/m2, vị trí gần biển có giá 17-23 triệu đồng/m2, tăng 2-3 giá so với đầu năm.
Hiện nay, khu vực Hàm Ninh là nơi có nhiều đất để làm resort ven biển. Giá đất tại đây không tăng, dao động trong khoảng 6-7 tỷ đồng/công (đất có diện tích lớn hơn 1.000 m2), nhưng lại đang được giao dịch nhiều.
Giao dịch sôi động nhưng cần cẩn trọng
Anh Bùi Việt Long (ngụ tại Bãi Trường, Phú Quốc) chuyên đầu tư bất động sản tại đây cho biết khu vực xuất hiện nhiều giao dịch đất nền nhiều nhất là xung quanh phường Dương Đông như Bến Tràm, Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài, Búng Gội và Gành Gió (thuộc xã Cửa Dương).
Giao dịch xuất hiện nhiều nhưng anh Long cho rằng các nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên cẩn trọng, đặc biệt trong giao dịch đất nằm trong đất rừng, ranh giới vườn quốc gia. Nhà đầu tư này thông tin loại đất này đa số là đất lấn chiếm trái phép hiện bị cơ quan chức năng siết chặt và thu hồi nhiều.
"Thông tin về việc dịch ranh giới rừng khiến nhiều người mua kỳ vọng, nhưng đất này không được giao dịch, chuyển nhượng nên rủi ro rất cao", anh Long nói.
Nhà đầu tư này khuyên người mua nên cẩn trọng với đất dự án. Bởi loại đất này khả năng bị thu hồi cao nhưng mức đền bù thấp. Đất dự án tập trung nhiều ở An Thới, Hàm Ninh, Cửa Cạn (đoạn từ qua bãi Ông Lát lên bãi Dài), cây thông ngoài. Ngoài ra, đất hiện trạng nông nghiệp được quy hoạch đường giao thông, trụ sở cơ quan... cũng nên cẩn trọng khi đầu tư.
Nhận định thị trường Phú Quốc, bà Ngô Thị Phương Thảo, Trưởng Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), cho biết, bản chất Phú Quốc được quy hoạch thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Nếu có kênh đào đi qua Malaysia và Thái Lan thì Phú Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Vì thế, Phú Quốc cần thu hút được các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.
Tuy vậy, theo bà Thảo, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm các khu đất rộng để làm dự án lớn. Nếu đất đai manh mún, giá đất bị đẩy lên quá cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của họ.
Hiện nay, Phú Quốc cho tách thửa trở lại. Quyết định này, theo bà Thảo, sẽ giúp cho các giao dịch bất động sản sôi động trở lại. Tuy nhiên, địa phương cũng cần quản lý chặt để tránh manh mún và phá vỡ quy hoạch.
Trả lời trên Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - từng nhận định, tốc độ tăng trưởng du lịch vài năm trở lại đây của Phú Quốc luôn nằm trong "top" các địa phương dẫn đầu cả nước. Do đó, nhiều "ông lớn" đã nhảy vào đầu tư với hàng loạt dự án "khủng". Tại Bắc đảo, dự án có quy mô lên tới hàng nghìn ha. Khu vực Nam Phú Quốc, nhiều chủ đầu tư cũng đang tiến hành các dự án nghỉ dưỡng quy mô nghìn tỷ đồng như khu vui chơi giải trí Hòn Thơm hay một số dự án từ các thương hiệu quốc tế...