Người Nhật trải qua kỳ nghỉ Tết ra sao?

Châu Anh

(Dân trí) - Giống như nhiều quốc gia châu Á, Tết ở Nhật là khoảng thời gian diễn ra rất nhiều hoạt động, trải dài từ những ngày cuối của năm cũ đến những thời khắc đầu tiên của năm mới.

Năm mới, được gọi là "Oshogatsu" trong tiếng Nhật, là một ngày lễ truyền thống rất quan trọng đối với người dân xứ Phù Tang. Thời xưa, theo âm lịch, tháng Giêng rơi vào đầu mùa xuân, cũng là mùa mà mọi sự vật, thiên nhiên và con người tràn ngập cảm giác khởi sắc trở lại.

Giống như nhiều nền văn hóa khác, lễ đầu năm là ngày mọi người tụ tập và chúc nhau một năm thịnh vượng. Ngày Tết của Nhật Bản có sự kế thừa một số phong tục truyền thống xen lẫn với các yếu tố hiện đại. Hãy cùng chúng tôi xem người Nhật trải qua kỳ nghỉ cuối năm và năm mới như thế nào!

Osoji: Dọn dẹp nhà cửa

Truyền thống này rất giống với việc dọn dẹp vào mùa xuân ở các nước khác. Trước khi chào đón năm mới, nhiều người Nhật sẽ bắt tay vào dọn dẹp mọi thứ trong ngôi nhà của mình. Điều này được gọi là "osoji" trong tiếng Nhật, có nghĩa là dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, họ đặt các đồ trang trí truyền thống bên ngoài và bên trong ngôi nhà của họ.

Đồ trang trí Oshogatsu: Kadomatsu, Shimenawa và Kagamimochi

Đồ trang trí truyền thống thể hiện sự hào hứng của mọi người đối với năm mới. Các đồ trang trí phổ biến nhất là Shimenawa (những sợi dây thừng được bện bằng rơm và được treo trước cửa nhà đầu dịp năm mới), Kadomatsu (gồm một cành thông và ba ống tre vát chéo có độ dài khác nhau), và Kagami mochi (bánh dày truyền thống ở Nhật).

Tất cả chúng đều có ý nghĩa đặc biệt của riêng mình. Ví dụ, việc trang trí Kadomatsu nghĩa là gia chủ muốn mời thần Năm mới đến nhà.

Người Nhật trải qua kỳ nghỉ Tết ra sao? - 1

Trang trí Shimenawa trước cửa nhà. Ảnh: Kokoro Media

Ăn mì Toshikoshi Soba

Vào ngày 31/12 - hay còn gọi là "Omisoka" trong tiếng Nhật, người Nhật ăn mì Toshikoshi Soba (mì kiều mạch cho năm mới). Sợi mì dài phản ánh cho ước nguyện được sống trường thọ.

Một số người Nhật sau đó đi tới các ngôi đền để lắng nghe âm thanh tiếng chuông ở đây. Truyền thống này được gọi là "Joya no Kane". Rất nhiều ngôi chùa ở Nhật Bản rung chuông 108 lần vào ngày này. Điều này mang ý nghĩa làm sạch lòng tham của con người và có một tâm trí bình yên trước ngày đầu năm mới.

Ở Nhật, khi chào đón năm mới, họ nói "Akemashite omedetou", có nghĩa là "Chúc mừng năm mới".

Tham quan đền thờ và ăn Osechi với các thành viên trong gia đình vào ngày đầu năm mới

Vào ngày đầu năm mới, hầu hết người Nhật đều đến thăm các đền thờ Thần đạo. Chuyến thăm đầu tiên trong năm đến một ngôi đền được gọi là "hatsumode". Người dân Nhật Bản chào đón các vị thần tại một ngôi đền với hy vọng vào sự thịnh vượng trong năm tới. Theo thông lệ, bạn có thể vẽ omikuji, một mảnh giấy nhỏ có ghi những điều may mắn bạn mong muốn.

Một số người Nhật, đặc biệt là phụ nữ thích mặc trang phục kimono truyền thống vào dịp đầu năm. Trong kỳ nghỉ ngày năm mới, xung quanh các ngôi đền lớn đều chật ních các quầy bán đồ ăn và tâm trạng mọi người tràn ngập không khí lễ hội.

Osechi là một món ăn quan trọng vào ngày đầu năm mới được trang trí bởi nhiều loại thực phẩm khác nhau trong các hộp cơm nhiều tầng. Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa đem lại sự may mắn cho gia chủ. Vào dịp này, các thành viên trong gia đình và họ hàng thường sẽ dùng bữa cùng nhau.

Người Nhật trải qua kỳ nghỉ Tết ra sao? - 2

Người Nhật mặc kimono truyền thống đi chùa và dự lễ hội vào ngày đầu năm. Ảnh: Kokoro Media

Những sự kiện thú vị dành cho trẻ em: Otoshidama và các trò chơi

Một tập tục thú vị ở Nhật đối với trẻ em là nhận otoshidama (hay tiền lì xì): là phong bì chứa tiền do ông bà, bố mẹ, người thân mừng cho con cháu. Người ta quan niệm, việc lì xì cho trẻ cũng là phương pháp để giáo dục trẻ suy nghĩ về cách sử dụng tiền hợp lý.

Ngoài ra, vào năm mới, trẻ em sẽ được chơi các trò chơi vui nhộn. Tất cả trẻ em trong nhà sẽ tụ họp, quay quần bên nhau trong kỳ nghỉ và tham gia chơi karuto (một loại bài), fukuwarai (dán các bộ phận riêng lẻ trên khuôn mặt trống làm từ giấy trong khi bịt mắt) và sugoroku (tương tự như các trò chơi mô phỏng con rắn và cái thang, trong đó một người sẽ tung xúc xắc và di chuyển số ô tương ứng). Thả diều cũng là một hoạt động ngoài trời được mọi người hưởng ứng.

Người Nhật trải qua kỳ nghỉ Tết ra sao? - 3

Phong bao đựng lì xì ở Nhật Bản. Ảnh: Kokoro Media

Nengajo: Thiệp chúc mừng năm mới của người Nhật

Nengajo, hoặc bưu thiếp năm mới, là một phong tục mà người Nhật dùng để gửi lời cảm ơn của mình tới bạn bè, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh. Nó giống như những tấm thiệp Giáng sinh ở phương Tây được sử dụng để gửi lời chúc mừng tới những người họ không thể ở bên.

Fukubukuro hay "Túi may mắn"

Fukubukuro là một phong tục thời thượng của năm mới trái ngược với những phong tục truyền thống ở trên. Ở Nhật Bản, vào kỳ nghỉ năm mới sẽ có hoạt động bán hàng mùa đông. Trong thời gian này, một loạt các cửa hàng sẽ giấu những mặt hàng của mình trong một chiếc túi để đem lại sự bất ngờ cho những khách hàng nhận được. Đôi khi, có những chiếc túi fukubukuro đựng những thứ giá trị gấp vài lần so với giá trị của túi. Do đó, rất nhiều khách hàng đổ xô đi mua fukubukuro với hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình trong năm mới.