Người mua trông chờ dự án mới chào sân tại khu Tây Nam TPHCM
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, bức tranh thị trường bất động sản 2022 có nhiều triển vọng phục hồi tích cực. Với nhiều tiền đề lớn về vị trí lẫn hạ tầng, khu trung tâm TPHCM về phía Tây Nam thu hút sự chú ý.
Sẵn sàng bước vào cuộc đua
Thị trường bất động sản năm 2021 đã khép lại với điểm nhấn là những đợt điều chỉnh tăng giá trên cả nước.
Bước vào quý I/2022, mặt bằng giá bất động sản đã tiếp tục tăng trưởng. Giới chuyên gia dự báo, dòng tiền chảy vào bất động sản nhiều khả năng sẽ tăng, đặc biệt là những khu vực phát triển về hạ tầng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Tổng quy mô gói hỗ trợ là 350.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 - tương đương 114.000 tỷ đồng - sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Điều này được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Người mua trông chờ dự án mới chào sân
Tại TPHCM, khu Tây Nam nhiều năm liền duy trì nguồn cung khiêm tốn, với các dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý do không phải các doanh nghiệp bất động sản thờ ơ mà vì quỹ đất ở khu vực này, đặc biệt là vùng lõi trung tâm như quận 8 đã khan hiếm.
Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của cả khu Tây nói chung và vùng Tây Nam nói riêng lại không có dấu hiệu giảm. Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (chu kỳ 5 năm/lần), khu Tây luôn sở hữu lượng cư dân lớn nhất TPHCM. Lượng dân số này liên tục tăng theo mỗi năm, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở rất lớn.
Về hạ tầng, khu Tây Nam Sài Gòn ngày càng hoàn thiện với sự kết nối của các công trình giao thông trọng điểm như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Hưng Phú, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM - Trung Lương...
Bên cạnh đó, thành phố đã có kế hoạch phát triển các tuyến metro lớn đi qua như 3A (Bến Thành - Tân Kiên), metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), metro số 6 Bình Phú kết nối giữa tuyến 3A và tuyến số 2 tại vòng xoay Phú Lâm và Bà Quẹo.
UBND TPHCM cũng đã có quyết định tái khởi động lại dự án cầu đường Bình Tiên với tổng mức đầu tư 3.507 tỷ, chiều dài 3,2 km, gồm 4 làn xe. Công trình giúp kết nối thuận tiện quận 6 và quận 8, tạo đà kết nối nhanh đến khu vực trung tâm như quận 1, 4 và 5.
Ngoài ra, khu vực này cũng sở hữu mạng lưới tiện ích hiện đại sẵn có như: Chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, bệnh viện, hệ thống trường học các cấp... phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, nguồn cung chỉ ghi nhận ở mức khiêm tốn. Báo cáo thị trường năm 2021 của DKRA vừa rồi chỉ ra, nguồn cung theo khu vực đang có sự chênh lệch rất lớn giữa khu Đông và Tây. Cụ thể, khu Đông với sức nóng mang tên Thành phố Thủ Đức vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường với 58%. Trong khi đó, khu Tây chỉ chiếm 17%, tức thấp hơn 3,5 lần.
Riêng tại quận 8, trong quý I/2022 hầu như không có dự án mới mở bán. Do đó, những thông tin đầu tiên từ dự án D-Aqua do DHA Corporation phát triển nhanh chóng thu hút thị trường.
Dự án này tọa lạc ngay trung tâm quận 8, mặt tiền đường Bến Bình Đông, ngay khu vực bến hoa Tết quen thuộc của người dân Sài Gòn. Theo thiết kế, D-Aqua là dự án có mức đầu tư tiện ích lớn và ấn tượng. Dự án còn sở hữu mô hình tuyến phố thương mại mở giữa thiên nhiên.
D-Aqua gồm 2 block căn hộ, dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 650 căn với mức giá vừa tầm, phù hợp với tài chính của đại đa số đối tượng trẻ. Theo DHA Corporation, các căn hộ 2 phòng ngủ tại dự án dự kiến có giá trên dưới 3 tỷ đồng, bên cạnh đó khách hàng còn được áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt 1-2%/tháng.
Nhiều năm liền, tỷ lệ tiêu thụ chung ở khu Tây rất cao, mỗi khi ra dự án mới luôn đạt 80-90%. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở của khu Tây còn đang rất cao. Những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực được người mua tìm kiếm.