Ngày Tết nói chuyện “đại gia" địa ốc: Thưởng Tết căn hộ, xe hơi, tiền mặt cả khối
(Dân trí) - Cứ dịp Tết đến Xuân về, chủ đề nhiều người hỏi han nhau nhất bao năm nay vẫn là “thưởng Tết có to không?”. Riêng trong giới địa ốc năm nay, thưởng Tết có sự phân hoá rõ rệt giữa các doanh nghiệp.
Thưởng Tết xe hơi BMW
Cứ dịp Tết đến Xuân về, chủ đề nhiều người hỏi han nhau nhất bao năm nay vẫn là “thưởng Tết có to không?”. Riêng trong giới địa ốc năm nay, thưởng Tết có sự phân hoá rõ rệt giữa các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp cho biết thưởng Tết khá èo uột, thậm chí phải cho nhân viên nghỉ sớm “ăn Tết" vì việc kinh doanh khó khăn. Cách đây chưa đến nửa tháng, nhiều chuyên gia còn nhận định thưởng Tết năm nay khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, mức thưởng siêu khủng như mọi năm là không có.
Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện, dù số lượng không nhiều những doanh nghiệp thưởng Tết “khủng" với xe xịn hoặc lượng tiền mặt rất lớn.
Trong lễ tổng kết năm 2019 của một tập đoàn địa ốc tại quận 3, TP.HCM mới diễn ra, hàng trăm khách mời cùng cán bộ nhân viên là tỏ ra khá bất ngờ với phần thưởng Tết có giá trị là xe hơi BMW hàng tỷ đồng.
Phần thưởng này được dành cho tập thể và cá nhân xuất sắc nhất năm 2019. Ngoài ra còn có hàng trăm triệu đồng tiền mặt, phiếu an sinh và voucher mua sắm tại siêu thị cao cấp.
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng tại Q. 3, TP. HCM mới đây đã công bố thưởng Tết gây choáng cho cán bộ nhân viên với hàng chục căn hộ xanh cùng nhiều mảnh đất có giá trị.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cũng công bố mức thưởng Tết khoảng 2-3 tháng lương hoặc số tiền mặt trao tay lên tới cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít điểm sáng trong lĩnh vực bất động sản với mức thưởng Tết hoành tráng. Hầu hết các đơn vị đối mặt với tình trạng cắt giảm thưởng, thậm chí đến nay vẫn nợ tiền hoa hồng môi giới.
Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong năng lực quản lý, tìm kiếm thị trường khiến doanh nghiệp ngày càng hụt hơi trên thị trường. Ngoài ra, còn do nguyên nhân khách quan từ thị trường do nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp đều lao đao vì không có hàng để bán.
Tết ảm đạm của nhiều dân môi giới
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cho biết, năm 2019, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kém hơn các năm trở lại đây do nguồn hàng ít nên phải lăn lộn vất vả hơn. Chi phí vào bất động sản cao hơn, trong khi giá không tăng tương xứng.
“Riêng ở Hà Nội, mấy năm nay giá nhà đi ngang, còn TP.HCM tăng 5-7%. Trong khi đó, chi phí đầu vào nhiều thứ tăng như chi phí trong ngành xây dựng cũng tăng, vật liệu, vật tư tăng, giá vốn tăng khi ngân hàng đẩy lãi suất lên cao, thậm chí còn siết, hạn chế cho vay. Chính vì thế lợi nhuận nhiều doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng đặt ra”, ông Đính nói.
Trong khi đó, việc thưởng Tết dựa trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, khi kinh doanh không thuận lợi thì việc thưởng Tết sẽ giảm hơn hoặc nhiều doanh nghiệp có thể được mức thưởng như năm ngoái. Nhưng mức thưởng lớn, đột biến như xe sang, thưởng nhà có nhưng không nhiều.
Theo Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch thành công năm 2019 có khoảng 83.136 giao dịch (giảm 26,1% so với năm 2018). Trong đó, số lượng bất động sản nghỉ dưỡng (Căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) có khoảng 6.280 giao dịch (giảm 20% so với năm 2018).
Còn theo báo cáo tổng kết thị trường bất động sản TP HCM do Hiệp hội Bất động sản TP HCM công bố, thị trường bất động sản bị sụt giảm về quy mô, về nguồn cung dự án nhà ở cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong đó, có nhiều dự án bị "đứng hình" do thủ tục pháp lý kéo dài cũng như bị đình trệ do vướng thanh kiểm tra. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản năm qua, giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có đơn vị thua lỗ hoặc nguy cơ phá sản.
Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.
Theo báo cáo này, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018). Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.
Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.
Nguyễn Mạnh