Năng lượng tái tạo là con át chủ bài trong cuộc chiến biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Việc sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng than nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
Tham luận về vấn đề phát triển năng lượng sạch tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề "Phát triển năng lượng sạch, xu thế và thách thức" diễn ra sáng nay (18/6) tại Hà Nội, TS Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch cho rằng, Việt Nam cần tăng cường, phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Đây vừa là thách thức vừa là mục tiêu tương lai đặt ra trong cuộc chiến biến đổi khí hậu.
Ông Hiến chỉ ra rằng, Việt Nam là đất nước có tiềm năng nguồn NLTT phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt. Thế nên, việc sử dụng NLTT có ý nghĩa to góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đánh giá của UNIDO, Việt Nam là nước đứng đầu trong khối ASEAN trong việc khai thác nguồn thủy điện nhỏ công suất đến 10 MW với tổng công suất đặt hiện có là 1836 MW/ tổng tiềm năng 7200 MW. Các dự án thủy điện nhỏ này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư và vận hành với hiệu quả kinh tế cao các trạm thủy điện nhỏ tại một số tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai…
Ngoài ra, tiềm năng gió của Việt Nam cũng đạt chất lượng tương đối tốt khi có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Đặc biệt, những vùng ven biển phía Nam có diện tích rộng khoảng 112.000 km2, nhiều khu vực có độ sâu từ 30m đến 60m, diện tích rộng khoảng 142.000 km2.
Theo số liệu gió Phú Quý, Côn Đảo thì vùng này đạt tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt hơn 5-8m/s. Hiện nay cả nước ta có một số trang trại gió với tổng công suất gần 300 MW đang hoạt động tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà mau và Bình Thuận. Nguồn điện gió trên đất liền có hệ số công suất trung bình khoảng 33% (Tmax khoảng 2800 giờ).
Hơn nữa, với tổng số giờ nắng trung bình cả nước lên đến trên 2500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của cơ quan Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ thì tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20.000 MW, trên mái nhà từ 2000 đến 5000 MW.
Nhưng nhược điểm lớn nhất của nguồn điện mặt trời là diện tích chiếm dụng đất với 1,8 đến 2,0 ha cho 1 MW và do sự phụ thuộc nhiều vào thời tiết và vị trí lắp đặt của các tấm pin mặt trời, nên khi dự án được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia độ tin cậy của hệ thống sẽ bị suy giảm. Vì vậy, để đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện hệ thống cần được đầu tư tăng cường nguồn công suất dự phòng.
Trước đó, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 COP 21, Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ giảm 8% lượng khí nhà kính CO2 so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể cắt giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ sự hợp tác song phương và đa phương.
Trên cơ sở thực hiện cam kết, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 bằng Quy hoạch điện VII Điều chỉnh phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Trong đó, ngoài việc rà soát tính toán lại nhu cầu tăng trưởng phụ tải do có tính đến việc thực hiện chương trình tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, đã đặc biệt chú trọng việc tăng cường phát triển các nguồn điện từ NLTT và điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than xây dựng mới.
Tuy nhiên theo ông Hiến, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển NLTT thì cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn Biomass vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.
Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Còn đối với điện mặt trời thì cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.
Và đặc biệt là phải tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của lưới điện truyền tải liên kết giữa nước ta và các nước láng giềng, đặc biệt là Lào và Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh tỷ trọng nguồn điện gió, mặt trời ngày một gia tăng trong những năm tới.
Hoàng Dung