1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Năm 2021, bất động sản có vượt chứng khoán, thành kênh đầu tư "nóng" nhất?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Dưới góc nhìn một nhà đầu tư, TS. Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, bất động sản sẽ thành kênh đầu tư "nóng" trong năm 2021.

Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra ngày 5/1, TS. Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã đưa ra những dự báo thú vị về các kênh đầu tư trong năm mới.

Năm 2021, bất động sản có vượt chứng khoán, thành kênh đầu tư nóng nhất? - 1

TS. Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư "nóng" trong năm 2021.

Cụ thể, dưới góc nhìn một nhà đầu tư, ông Hưởng cho rằng trong cuộc đua bất động sản và chứng khoán, chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh.

Ông Hưởng cũng dự báo bất động sản vùng ven Hà Nội và TPHCM sẽ "lên ngôi". Những phân khúc như nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền và đất chia lô vẫn tiếp tục "nóng".

Theo vị cựu chủ tịch ngân hàng, năm 2020, Việt Nam đã làm được hai điều rất khó là kiềm chế Covid-19 và tăng trưởng kinh tế dương. Cùng với đó, một số cơ chế về bất động sản đã được giải quyết và tháo gỡ vướng mắc. Chính những điều này khiến bất động sản có những hồi phục nhanh chóng.

"Năm 2021 sẽ tiếp tục là 1 năm trỗi dậy của hoạt động mua bán, sáp nhập dự án bất động sản", ông Hưởng dự báo.

Tại tọa đàm, chuyên gia bất động sản Nguyễn Quốc Anh cũng cho rằng, khả năng tăng giá bất động sản năm sau khá cao. Bởi tiềm năng đô thị hóa của Việt Nam còn rất lớn, vì đô thị hóa đi liền với phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các dự án bất động sản.

Năm 2021, bất động sản có vượt chứng khoán, thành kênh đầu tư nóng nhất? - 2
Các chuyên gia tham dự tọa đàm Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới diễn ra sáng 5/1.

"Một số nhà đầu tư nhận định lãi suất đang thấp quá nên đầu tư bất động sản, chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến bất động sản Việt Nam nhờ giá còn tương đối thấp", ông Quốc Anh nhận định. Cũng theo vị này, bất động sản là bài toán đang rất nóng ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo thống kê của một tổ chức chuyên nghiên cứu bất động sản, giá bất động sản khu vực trung tâm Hà Nội đã tăng 33 lần trong 18 năm qua, trong khi giá bất động sản khu vực trung tâm TP.HCM cũng tăng 16 lần.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết thêm, Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao, kéo theo thu nhập bình quân đầu người cũng tăng ở mức 6,5%. Đây là một xung lực lớn cho thị trường bất động sản.

"Về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Đến 2030 dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong 10 năm tới ở mức 7%", ông Lực nói.

Bên cạnh đó theo ông Lực, các văn bản pháp luật đã được sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản.