Muôn nỗi khổ chung cư: Lộ những lý do khiến dân phải mòn mỏi chờ sổ đỏ
(Dân trí) - Chủ đầu tư vướng vi phạm ở một hoặc một số khâu của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng… là những nguyên nhân khiến việc cấp sổ đỏ cho cư dân bị "treo".
Tại buổi tọa đàm về “Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các dự án phát triển nhà ở” do báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay (26/11), nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh tình trạng chậm trễ trong việc cấp “sổ đỏ” hiện nay ở chung cư.
Theo ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong quá trình thực hiện dự án phát triển nhà, chủ đầu tư trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn với sự chi phối, áp dụng thực hiện nhiều pháp luật có liên quan.
Trong đó, chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở có vi phạm ở một hoặc một số khâu như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng, tài chính tín dụng… thì đều sẽ dẫn đến tình trạng cư dân phải “mòn mỏi” chờ cấp sổ đỏ như nhiều phản ánh thời gian qua.
Ông Phấn nêu ra một số vi phạm điển hình, chẳng hạn như chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về đầu tư pháp lý về dự án đầu tư, thủ tục đầu tư, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhưng đã tổ chức triển khai dự án và bán nhà cho người mua nhà.
“Việc một số chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền nhưng chủ đầu tư thứ cấp đã thực hiện việc bán căn hộ cho người mua”, ông Phấn cho hay.
Ngoài ra theo vị này, có những trường hợp chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật về xây dựng như: xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt (xây dựng vượt diện tích, vượt số tòa, số căn, số tầng, xây không đúng vị trí, tự ý thay đổi mật độ xây dựng, công năng công trình) hay dự án nhà ở thấp tầng không xây dựng nhà để bán mà vẫn phân lô, bán nền dẫn đến bỏ hoang hóa đất nhiều năm, gây lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó, ông Phấn cho biết một số chủ đầu tư vừa thực hiện việc thế chấp tài sản tại ngân hàng đồng thời lại tổ chức bán tài sản (căn hộ) cho người mua hay một số dự án chưa được nghiệm thu các yêu cầu cần thiết như phòng chống cháy nổ, điện nước... nhưng đã tổ chức bán căn hộ cho khách hàng cũng sẽ khiến việc cấp sổ đỏ diễn ra chậm trễ.
Dự án “găm" ngân hàng, quyền lợi cư dân “treo"
Tại tọa đàm, một số độc giả phản ánh về tình trạng mua nhà chung cư tại một dự án ở Hà Đông, mặc dù đã bàn giao 5 năm nhưng vẫn chưa được cấp “sổ đỏ" vì chủ đầu tư đem dự án thế chấp tại ngân hàng. Trong trường hợp này, quyền lợi của cư dân sẽ giải quyết thế nào là câu hỏi được đặt ra.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo quy định, đối với trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai thì trước khi bán nhà ở trong dự án đó, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký, tức chủ đầu tư phải thực hiện việc rút bớt tài sản đã thế chấp.
“Đối với trường hợp chủ đầu tư không thực hiện việc trên đã thực hiện bán nhà là trái quy định của pháp luật”, bà Thịnh nhấn mạnh.
Theo bà này, tình trạng chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng nhưng khi bán nhà cho người dân không thực hiện rút bớt tài sản thế chấp trên thực tế đã xảy ra.
Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà thì trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan ban hành quy định về việc Công bố thông tin về biện pháp bảo đảm để người dân được biết tại Điều 64 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm bằng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường để công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở này; Thông tin được công bố gồm: Tên dự án, địa chỉ của dự án, bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, thời điểm đăng ký).
“Người dân cần lưu ý khi mua nhà trong các dự án phát triển nhà cần tìm hiểu thông tin đối với tính pháp lý của dự án do chủ đầu tư thực hiện tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương về công bố các chủ đầu tư vi phạm”, bà Thịnh đưa lời khuyên.
Nguyễn Mạnh