Muôn chiêu thổi giá, thông tin mập mờ để bán nhà đất khi thị trường ế ẩm

Hà Phong

(Dân trí) - Thị trường bất động sản ế ẩm, môi giới không ngừng tung chiêu trò thổi giá, bán hàng cắt lỗ nhằm câu kéo sự quan tâm của khách hàng.

Sau hàng loạt cơn sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, giá bất động sản cũng bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi thị trường đột ngột chững lại, nhà đầu tư xuất hiện tâm lý trái chiều, trong đó có người chờ "bắt đáy", người muốn thoát nhanh để thu hồi vốn.

Thổi giá lên trời

Thị trường đang xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán bất động sản qua các diễn đàn hội nhóm trên mạng xã hội. Do việc kiểm soát thông tin hạn chế, môi giới không ngừng tung chiêu trò, thổi phồng giá trị thực của lô đất để thu hút sự chú ý của người đang có nhu cầu.

Mới đây, trên một hội nhóm mua - bán bất động sản có hàng chục nghìn người theo dõi, môi giới rao bán lô đất khu tái định cư X2A Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội). Ngoài việc đưa ra hàng loạt các thông tin về tiện ích xung quanh, người bán lô đất này còn đẩy giá trị thực của lô đất này lên tới 500 triệu đồng/m2, nhưng mức giá rao bán hiện tại của lô đất này là 165 triệu đồng/m2.

Muôn chiêu thổi giá, thông tin mập mờ để bán nhà đất khi thị trường ế ẩm - 1

Thị trường ế ẩm, môi giới vẫn dùng chiêu trò "thổi giá" nhằm thu hút chú ý người mua (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo khảo sát của Dân trí, giá bán nhiều lô đất khác tại khu tái định cư X2A này đang dao động 110-130 triệu đồng/m2, lô đất có vị trí đẹp mới có giá 150 triệu đồng/m2. Đáng nói, giá đất tại khu vực này hiện tại đã tăng gấp 2-3 lần so với năm 2019.

Tương tự, không ít thông tin rao bán nhà đất hiện nay được gắn với cụm từ "cắt lỗ", "chủ nhà vỡ nợ" để hấp dẫn người có nhu cầu. Tuy nhiên, việc giảm giá sâu được cho chỉ là một chiêu trò của người đăng thông tin.

Anh Kiên - một nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Hà Nội - chia sẻ, 3 tháng nay thị trường chững lại, anh đi khảo sát giá tại một số địa phương. Nhìn chung giá nhà đất, đất nền đang có xu hướng đi ngang, không ít lô có hiện tượng giảm giá nhưng không nhiều.

"Các lô đất giảm giá thường có vị trí không đẹp hoặc chủ đất đang cần thanh khoản sớm. Tuy nhiên, lô đất có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, có thể cho thuê kinh doanh, làm văn phòng thì không giảm giá, thậm chí vẫn tăng", anh Kiên nói.

Mập mờ thông tin rao bán

Ngoài việc thổi giá trị thực lên cao để rao bán giá rẻ đi, không ít thông tin được tung ra thời điểm này còn mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro với khách hàng. Chị Hồng Hạnh chia sẻ, tuần trước chị có đọc được một thông tin rao bán 1 căn nhà đất diện tích 30m2, xây 5 tầng, đường trước nhà 3 xe ô tô tránh nhau ở quận Hoàng Mai nhưng giá chỉ 4,5 tỷ đồng.

"Dù phải thừa nhận thị trường đang chững, giá nhà có thể giảm, nhưng tôi khá bất ngờ với giá bán căn nhà trên. Giá đó phải rẻ hơn giá thị trường khoảng 50 triệu đồng/m2", chị Hạnh kể.

Muôn chiêu thổi giá, thông tin mập mờ để bán nhà đất khi thị trường ế ẩm - 2

Thông tin rao bán mập mờ, rất dễ đẩy khách hàng vào rủi ro (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Tuy nhiên, khi cấp tốc tới vị trí căn nhà để xem thực tế, chị đã thấy nhiều đoàn người khác đến xem. Nhưng khi hỏi người dân xung quanh thì được biết, dù đường trước nhà rất rộng có cả vỉa hè 2 bên nhưng lối vào khu này lại nhỏ dưới 2m. "Hiện tại, cạnh lối vào là một lô đất chưa xây dựng, do đó, người không biết sẽ nghĩ đó là đường. Nhưng sau này chủ đất đó mà xây nhà thì đường vào nhà sẽ không đủ rộng để ô tô đi được`", chị Hạnh kể.

Bên cạnh việc thông tin rao bán mập mờ, chị Hạnh còn cho rằng, trong rao bán lô đất này có cả việc "tạo sóng", "thổi giá". "Có thể giá căn nhà này rao bán thấp hơn giá thị trường khiến nhiều người đến xem, nhưng không loại trừ có hiện tượng thuê người tới xem đông để tạo tâm lý phải chốt nhanh cho nhà đầu tư thực", chị Hạnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - sau thời gian bất động sản có dấu hiệu tăng "nóng", Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát tín dụng để hạn chế đầu cơ. Đối với những nhà đầu tư có vốn thực hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính thấp, họ vẫn ôm hàng chờ thời. Còn những người sử dụng đòn bẩy cao, phải trả ngay hoặc không có nguồn thu để trả lãi thì mới bắt buộc phải xả hàng, cắt lỗ.

"Thời gian tới đây sẽ còn nhiều nhà đầu tư không thể gồng lỗ buộc phải tìm cách thoát hàng. Đây là cơ hội thanh lọc, đưa thị trường về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, lạm phát còn cao nên việc bắt đáy bất động sản vẫn còn hơi sớm", ông Thanh nói và khuyến cáo, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với những quảng cáo bán cắt lỗ và theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa để xuống tiền thì cơ hội sẽ tốt hơn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm