Mặc áo dài cung đình chơi bóng tựa như múa trong lễ hội đầu năm

Minh Hương

(Dân trí) - Vào ngày 4/1 hàng năm, đền Shimogamo tại Kyoto lại tổ chức lễ hội Kemari Hajime nghĩa là trận đá bóng đầu tiên trong năm mới để dâng lên các vị thần.

Kemari là trò chơi cổ truyền Nhật Bản được chơi với trái "mari", trái bóng rất nhẹ, có trọng lượng chỉ khoảng 150g, được làm từ da hươu, nai. Những người chơi xếp thành vòng tròn và truyền trái mari qua lại sao cho quả bóng không bị rơi xuống đất.

Điều đặc biệt là những người chơi mặc trang phục cung đình truyền thống của Nhật Bản, với áo dài tay suikan và chiếc mũ eboshi của các thầy tế đạo Shinto. Những chiếc tay áo dài đầy màu sắc vung lên theo cử động của người chơi khiến họ tựa như đang múa thay vì đang chơi một môn thể thao.

Mặc áo dài cung đình chơi bóng tựa như múa trong lễ hội đầu năm - 1

Người chơi tham gia lễ hội Kemari Hajime trong trang phục cung đình truyền thống. Ảnh: Sharing-kyoto

Kemari được giới thiệu vào Nhật Bản từ Trung Quốc trong thời Asuka (thế kỷ 6-8). Ban đầu, trò chơi được giới quý tộc Nhật Bản vào thời Heian ưa chuộng, rồi phổ biến rộng rãi tới các Samurai và dân chúng. Tới sự kiện Minh trị Duy tân vào thế kỷ 19, trò chơi dần mai một. May mắn thay, nhóm bảo tồn có tên Shukiku Hozonai được thành lập năm 1903 để bảo tồn và gìn giữ trò chơi truyền thống này.

Mặc áo dài cung đình chơi bóng tựa như múa trong lễ hội đầu năm - 2

Người chơi xếp thành vòng tròn, chuyền qua lại quả bóng trên không. Ảnh: Sharing-kyoto

Sau nghi lễ đạo Shinto, trò chơi được bắt đầu vào khoảng 14h ngày 4/1 tại sân bóng được tổ chức trước điện thờ chính của đền Shimogamo. Những cành tre xanh được cắm ở bốn góc để tạo thành sân bóng, các thành viên của Hội Bảo tồn Kemari xuất hiện trên sân trong trang phục cung đình truyền thống. Cả nhóm sẽ chơi ba hiệp Kemari, chia thành những đội gồm 8 người chơi xếp thành vòng tròn. Vừa chơi, họ vừa hô vang "Ari", "Ya" và "Oh" trong tiếng vỗ tay của người xem. Trò chơi không mang tính thi đấu nên không phân người thắng, kẻ thua.

Mặc áo dài cung đình chơi bóng tựa như múa trong lễ hội đầu năm - 3

Kemari Hajime là lễ hội đầu năm độc đáo tại Kyoto. Ảnh: Sharing-kyoto

Trong quá trình diễn ra trò chơi, một thành viên hội bảo tồn đóng vai trò bình luận viên, tường thuật và giải thích luật chơi cho đám đông khán giả để họ có thể hiểu thêm về trò chơi truyền thống này. Năm 2014, một bình luận viên thuộc một kênh thể thao Brazil đã tham gia đưa tin về sự kiện, liên quan tới World Cup được tổ chức tại quốc gia Nam Mỹ này vào năm đó.

Dù trò chơi được tổ chức trong không gian nhỏ, sân bóng là một góc sân trong đền thờ, lễ hội vẫn thu hút đám đông tham gia. Ai nấy cũng nở nụ cười vui tươi khi trái bóng cất lên mang theo những niềm vui năm mới đến.