1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

M&A và tham vọng của doanh nghiệp bất động sản ngoại

Trường Thịnh

(Dân trí) - 2021 là một năm sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn.

Tham luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 với chủ đề "Cơ hội trong thị trường bùng nổ" do báo Đầu tư tổ chức ở TPHCM mới đây, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đánh giá, nhiều tập đoàn lớn đã đưa M&A vào chiến lược chính trong kế hoạch phát triển và mở rộng của mình, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Theo thống kê của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, quy mô giá trị thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch này đến từ ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

MA và tham vọng của doanh nghiệp bất động sản ngoại - 1
Các diễn giả tham dự diễn đàn đều bày tỏ sự lạc quan với tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.

Làn sóng M&A bất động sản

Với nhiều doanh nghiệp bất động sản, M&A được xem là một trong những kênh quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần trong ngành bất động sản thông qua sở hữu quỹ đất lớn hoặc các dự án đầu tư có quy mô.

Trong năm 2021, Frasers Property Việt Nam đã mua thành công dự án Khu công nghiệp BDIP tại Bình Dương. Theo ông Trương An Dương - Giám đốc khối Bất động sản nhà ở, Công ty Fraser Property Vietnam - bất động sản công nghiệp là mảnh ghép còn thiếu của doanh nghiệp này trong chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam.

Các chủ đầu tư lớn đến từ nước ngoài như Phú Mỹ Hưng, CapitaLand.. cũng đã có những động thái quyết liệt trong việc mở rộng quỹ đất. Mới nhất, ngày 13/12, Tập đoàn CapitaLand đã bắt tay với Becamex IDC để đầu tư phát triển dự án nhà ở quy mô 18,9 ha với tổng vốn đầu tư 18.330 tỷ đồng.

Mặc dù nhu cầu tìm kiếm quỹ đất của các chủ đầu tư nước ngoài lớn nhưng thực tế, thị trường M&A vẫn có nhiều thách thức cho các nhà đầu tư ngoại này.

Ông Trương An Dương cũng chia sẻ để hoàn tất một thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam vào thời điểm này là khó khăn do giá đất để phát triển khu công nghiệp tăng mạnh trên khắp cả nước. Năng lực về tài chính của doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc quyết định sự thành công của thương vụ.

Mỏi mắt tìm quỹ đất

Chia sẻ với góc nhìn của một chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew - Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) cho biết, chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp mình là phát triển các khu đô thị quy mô lớn. Ông lớn bất động sản đến từ Malaysia này là một tên tuổi tại Đông Nam Á, gây tiếng vang với những dự án siêu đô thị ấn tượng trong khu vực. Hai dự án mang đậm dấu ấn của nhà phát triển đô thị xanh này tại Việt Nam là Gamuda City rộng 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, và Celadon City quy mô 82 ha ở quận Tân Phú, TPHCM.

MA và tham vọng của doanh nghiệp bất động sản ngoại - 2
Với góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew nhận định M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam.

Theo ông Angus Liew, không chỉ với Gamuda Land mà với tất cả các doanh nghiệp bất động sản, M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam. Đó là cách thuận tiện (tiết kiệm thời gian đền bù giải tỏa, thủ tục phê duyệt dự án) để có được một khu đất phát triển dự án nhanh chóng.

Về tiêu chí lựa chọn quỹ đất, điều quan trọng nhất là phải là "đất sạch", nghĩa là phải nằm trong quy hoạch phân khu dân cư đã được Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ 1/2.000 được thông qua và hoàn chỉnh quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Đối với những khu đất chưa được đền bù đầy đủ, chúng tôi sẽ không thật sự cân nhắc. Tất nhiên, có nhiều tiêu chí để tiến hành một thương vụ M&A nhưng đối với chúng tôi, những tiêu chí trên là những tiêu chí quyết định", ông Angus chia sẻ.

"Tại Việt Nam, chúng tôi đã phát triển 2 khu đô thị lớn là Celadon City ở TPHCM và Gamuda City ở Hà Nội. Tiếp tục với điều đó, chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội để xây dựng nhiều khu đô thị hơn nữa ở Việt Nam, để có thể triển khai phương thức quy hoạch tổng thể đột phá của mình", Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) nói thêm.

MA và tham vọng của doanh nghiệp bất động sản ngoại - 3
Các chủ đầu tư nước ngoài đang tích cực triển khai các thương vụ M&A dự án bất động sản tại Việt Nam (Ảnh: Celadon City - Gamuda Land).

Mặt khác, ông cũng cho biết doanh nghiệp đang quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình tại Việt Nam như các dự án phức hợp cao tầng, nhà ở thương mại… Đây đều là những phân khúc mà Gamuda Land hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai.

"Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng của các khu vực xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, có thể trong thời gian sắp tới, chúng tôi có thể tung ra những dự án phức hợp ấn tượng mang dấu ấn của Gamuda Land, không phải ở khu trung tâm mà là ở các thành phố vệ tinh hoặc các tỉnh lân cận", ông Angus Liew cho biết.