Lý giải nguồn tiền ồ ạt chảy vào lĩnh vực bất động sản

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân thị trường bất động sản tăng "nóng" trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng.

Tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ?

Bộ Xây dựng vừa thông tin về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 vừa qua.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Đến cuối tháng 2/2021, tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%).

Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm dần. Cụ thể, năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%.

Lý giải nguồn tiền ồ ạt chảy vào lĩnh vực bất động sản - 1

Nhiều "đại gia" vác bao tải tiền đi mua bất động sản (ảnh: VNN).

"Như vậy, từ số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng", đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng nhận xét.

Cũng theo cơ quan này, từ phân tích của nhiều tổ chức, chuyên gia thì có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh do dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh đầu tư bất động sản.

Thời gian qua, một số chuyên gia cũng đã đặt ra câu hỏi là nguồn vốn đầu tư lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu.

"Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền", lãnh đạo HoREA từng đề nghị.

"Đại gia" bất động sản vay tiền qua kênh trái phiếu tăng mạnh

Bộ Xây dựng cho biết trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động, thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ dàng do doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau đại dịch.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 8.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%.

Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như: Công ty CP Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng)...

Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều doanh nghiệp lớn bất động sản cũng tham gia gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thông báo về việc chào bán gần 70 triệu trái phiếu với mục đích tài trợ vốn cho hoạt động của công ty con. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng với kỳ hạn 36 tháng, tổng giá trị lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Như vậy theo Bộ Xây dựng, có thể thấy, từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019; lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng gần 210 điểm cơ bản, lên mức từ 9,7-11%/năm.

Đáng chú ý nhất thời điểm hiện tại là Tập đoàn Apec Group với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13%/năm được đảm bảo bởi các bất động sản đắt giá tại các thành phố lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành bất động sản.

Trong khi đó, về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết đây vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia và một số tổ chức tài chính quốc tế thì dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam, việc đang khống chế thành công đại dịch là ưu điểm rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia, bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.