Long đong cầu Cát Lái

Kim Ngọc

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng có thể thay thế vị trí khác của cầu Cát Lái nhưng nhất định phải xây dựng ở khu Nam, không thể dịch chuyển qua khu Đông hay khu Tây.

Sau nhiều năm chưa thể chốt vị trí xây dựng cầu Cát Lái, mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM lại đề xuất xây 2 cầu khác thay thế cây cầu này.

Nhiều năm không chốt được vị trí xây cầu

Cầu Cát Lái được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ năm 2017, nối thành phố Thủ Đức (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nếu cây cầu thành hình, hàng nghìn người dân hai bên bờ mỗi ngày sẽ không phải đi phà Cát Lái vượt sông để vào TPHCM hoặc ngược lại. Cây cầu cũng được kỳ vọng hình thành tuyến kết nối thứ 2 giữa sân bay Long Thành với TPHCM, bên cạnh tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Năm 2019, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái. Tỉnh này đặt mục tiêu khởi công xây dựng cầu này trong năm 2020. Tuy nhiên, Đồng Nai và TPHCM có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến việc xây dựng cầu nhưng chưa chốt được phương án.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM lại tiếp tục họp bàn phương án thay thế việc xây dựng cầu Cát Lái. Theo Sở này, việc xây dựng cầu Cát Lái cách khoảng 100m so với phà Cát Lái hiện nay là không khả thi vì cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60m lên 77m.

Việc xây dựng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái. Đồng thời, nếu xây dựng cầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng, không đảm bảo an toàn cho tàu container quay tàu khi ra vào cảng.

Do đó, Sở đề xuất 2 vị trí mới để xây cầu. Một là xây cầu nối từ đường trục Bắc - Nam (nối quận 7), vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Hai là cầu nối từ thành phố Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B).

Long đong cầu Cát Lái - 1

Mô phỏng vị trí cầu Cát Lái (chỉ đỏ) và 2 vị trí cầu mới được đề xuất (màu đen) (Ảnh: Google Maps).

"Buộc phải làm cầu Cát Lái"

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm cầu Cát Lái có vị trí chiến lược kết nối phía Nam TPHCM nên bắt buộc phải có, trước sau gì cũng phải làm. Bởi lẽ TPHCM muốn phát triển thành phố Thủ Đức là đơn vị kinh tế hàng đầu của thành phố. Trong tương lai, thu nhập kinh tế của TP Thủ Đức có thể còn cao hơn khu nội thành. Một thành phố như vậy thì cần kết nối về các phía Đông - Tây - Nam - Bắc. Trong khi hướng Đông - Tây - Bắc đã có các cây cầu kết nối, phía Nam còn thiếu và cầu Cát Lái giúp giải quyết vấn đề này.

Giải thích việc phía Nam nhất định phải có ít nhất một cây cầu, ông Nam Sơn cho biết đây là hướng mở ra biển, có cảng Cát Lái kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải. Tư duy 2 cảng cạnh tranh với nhau đã thành lạc hậu, tư duy tiến bộ là các cảng trong vùng đô thị kết nối với nhau, hỗ trợ cho nhau. Đồng thời, cầu Cát Lái sẽ giúp tận dụng được mạng lưới cao tốc Bến Lức - Long Thành, hàng hóa đi từ cảng sẽ lên cao tốc, thuận lợi giao thương.

Một lý do nữa được ông chỉ ra là phía Nhơn Trạch (Đồng Nai) còn diện tích đất rộng, một số vấn đề về hậu cần, kho bãi tại cảng Cát Lái bị hạn chế thì có thể phát triển sang Nhơn Trạch.

"Đã đến lúc cần nhìn tầm nhìn vùng, không còn cạnh tranh từng tỉnh hay từng cảng mà là hợp tác làm kinh tế biển. Nếu chúng ta còn tư duy địa phương thì khó nâng tầm vùng đô thị TPHCM", ông Nam Sơn nhấn mạnh.

Trong trường hợp TPHCM muốn thay thế vị trí cầu Cát Lái theo phương án cũ, ông Sơn chỉ ra có thể chọn lựa một vị trí khác nhưng cũng ở khu vực phía Nam, không thể đưa về khu Đông hay khu Tây.

Đồng thời, TPHCM cũng cần nhanh chóng thực hiện xây dựng cầu Cát Lái vì đây là dự án kết nối bức thiết, càng để lâu càng gặp nhiều khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, hạ tầng khu vực này đang được hoàn thiện, khi xây dựng cầu Cát Lái sẽ có bài toán tổng thể kết nối với nhau tốt hơn.

Với 2 cây cầu mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất, ông Sơn nói cầu không được xây dựng từ phía Nam nên không có liên quan tới cầu Cát Lái. Vì vậy, phương án này không thể nói là thay thế.

Cùng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết cầu Cát Lái nối khu vực quận 2 cũ (phía Nam TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cần thiết và đã nằm trong quy hoạch. Cầu Cát Lái khi hình thành sẽ tạo ra hướng kết nối giao thông với nhiều cầu, đường xung quanh, giúp giảm tải áp lực giao thông.

Về đề xuất làm cầu qua quận 7 của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Châu ủng hộ nhưng không nên bỏ quy hoạch cầu Cát Lái hiện tại. Với ông Châu, quy hoạch cầu Cát Lái là rất hợp lý.

Ngoài việc giữ quan điểm xây cầu Cát Lái, Chủ tịch HoREA còn bày tỏ mong ước xây dựng thêm nhiều cây cầu, đường lớn hơn để kết nối giao thông vùng TPHCM với các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, ông đề xuất xây đường trên cao qua đường Rừng Sác, làm cầu nối Cần Giờ (TPHCM) với Nhà Bè (TPHCM). Cầu vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu hay cầu vượt biển nối Cần Giờ - Gò Công (Tiền Giang) cũng được ông Châu đề cập.