Lợi nhuận 2022 giảm hơn 30%, "ông lớn" xi măng nêu lý do

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước.

Theo thông tin từ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), tổng doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch và tăng hơn 16% so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch và giảm hơn 30% so với năm trước.

Theo lý giải từ lãnh đạo Vicem, năm 2022 doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng như xăng dầu, than… đều tăng cao. Đặc biệt là giá than nhập khẩu, tăng tới 162,54% so với bình quân năm trước.

Lợi nhuận 2022 giảm hơn 30%, ông lớn xi măng nêu lý do - 1

Giá cả nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng đều tăng cao (Ảnh: Internet).

Trong nước, Vicem cho biết Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản đã tăng giá bán 3 lần, khoảng 40-50% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá xăng dầu năm 2022 cũng tăng 28% so với năm trước. Về sản lượng bán ra, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu, chi phí vận chuyển lại tăng cao làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Một khó khăn khác cũng được lãnh đạo doanh nghiệp này nhắc đến, đó là thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng cao, nguồn tín dụng thắt chặt, xuất khẩu khó khăn gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xi măng nói chung.

Sang năm 2023, Vicem đặt mục tiêu tiêu thụ được trên 29 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) khoảng 800 tỷ đồng, giảm 47,8% so với thực hiện năm ngoái.

Dự báo tình hình năm 2023, ban lãnh đạo Vicem chỉ ra một loạt khó khăn, thách thức sẽ phải đối mặt. Trong đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng khi Nhà nước tiếp tục duy trì chính siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản. Giải ngân công trình, dự án đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ xi măng.

"Dự báo thị trường tiêu thụ xi măng vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi Covid-19", ban lãnh đạo Vicem nhìn nhận.

Về thị trường, doanh nghiệp này xác định 2023 tiếp tục là một năm khó khăn khi nguồn cung xi măng tiếp tục vượt so với nhu cầu dẫn tới cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, Vicem cho biết nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung, giảm năng suất chạy lò.

"Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi giá bán xi măng chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh", Vicem cho biết.