Loạt sai phạm cùng nguy cơ mất tài sản trong quản lý đất đai của VEAM

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, một số khu đất do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản...

Loạt sai phạm cùng nguy cơ mất tài sản trong quản lý đất đai của VEAM - 1
Không chỉ sai phạm trong quản lý đất đai, VEAM cũng bị vạch rõ mắc nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ…

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Công Thương mới đây đã có kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).

Kết luận nêu rõ một loạt các vi phạm của VEAM trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết VEAM đã quản lý đất không đúng quy định tại các khu đất 25A Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa, Hà Nội); lô đất 27B Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, HN.

“VEAM, TAMAC chưa thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để đảm bảo việc di dời Nhà máy và khai thác đầu tư xây dựng dự án theo quy định tại Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 81 của Bộ Công Thương…”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, Công ty TNHHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng chưa xin ý kiến của VEAM/Chủ tịch Công ty khi ký kết phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại số 18 Tam Trinh, tài sản nhà nghỉ Sầm Sơn gây thiệt hại số tiền là hơn 6,8 tỷ đồng giá trị được xác định lại để cổ phần hoá của nhà nghỉ Sầm Sơn.

“Một số khu đất quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản như: Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo tại khu đất số 18 Tam Trinh (Hoàng Mai, HN); số 18 Đoàn Trần Nghiệp; khu đất A8/ODK1 có diện tích khoảng 3,4ha tại khu đô thị mới Nam hồ Linh Đàm; DISOCO tại thửa đất số 70 Lý Chiêu Hoàng (quận 6, TP.HCM); khu đất 1.224m2 tại Sông Công, Thái Nguyên…”, Thanh tra Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có trách nhiệm trong việc không thực hiện kê khai bổ sung tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khu đất số BU 696245 dẫn đến nộp thiếu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho 2.354m2 với tổng số tiền từ năm 2014 đến năm 2018 là hơn 6,8 tỷ đồng.

Để xảy ra một loạt các vấn đề nêu trên, Bộ Công thương chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch từ năm 2015 đến nay); Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc, người đại diện vốn nhà nước, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc đơn vị thành viên, Trưởng các phòng/ban và các cá nhân, đơn vị liên quan.

Không chỉ sai phạm trong quản lý đất đai, VEAM cũng bị vạch rõ mắc nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ… Điển hình, VEAM cho các đơn vị thành viên vay tính tiền lãi suất trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Một số đơn vị VEAM cho vay lãi suất ưu đãi nhưng kinh doanh không hiệu quả, khả năng thu hồi vốn khó khăn. Hơn nữa, việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc, giảm lãi, miễn lãi của VEAM không quy định cụ thể bằng văn bản. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy ghi nhận nợ…

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Trong quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

Tại kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Nguyễn Mạnh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm