Lộ lý do chủ biệt thự triệu đô thà bỏ hoang chứ không hoàn thiện cho thuê

Hà Phong

(Dân trí) - Không ít chủ biệt thự quyết định bỏ hoang vì không muốn bỏ thêm vốn vào hoàn thiện khi không có nhu cầu ở và giá cho thuê thấp.

Thà bỏ hoang chứ không hoàn thiện

Tình trạng biệt thự có giá trị hàng chục tỷ đồng bỏ hoang không khó bắt gặp ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội. Theo thời gian, những căn biệt thự này đều để cỏ mọc um tùm, rêu mốc bao phủ… không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra một không gian đô thị "ma" dù đã có chủ.

Anh Trần Thái Sơn - chủ căn biệt thự tại một khu đô thị phía tây Hà Nội - cho biết, căn cứ theo giá thị trường hiện tại, căn biệt thự của anh có giá khoảng 28-31 tỷ đồng. Mức giá hiện nay cao gần gấp 3 lần so với giá anh mua căn biệt thự này năm 2010.

Chia sẻ về lý do căn biệt thự này hơn 10 năm qua vẫn bỏ hoang, anh Sơn cho rằng, dù bỏ hoang nhưng giá trị căn biệt thự vẫn tăng. Trong khi hạ tầng và tiện ích khu vực còn vắng vẻ khiến nhu cầu thuê và giá cho thuê cũng không cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư hoàn thiện của căn biệt thự này cũng mất hơn 1 tỷ đồng.

"Giai đoạn mua căn biệt thự này tôi cũng sử dụng đòn bẩy tài chính tới 60% giá trị của nó. Nếu tiếp tục hoàn thiện để cho thuê, nhưng giá thuê không được cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ lớn cho tôi", anh Sơn nói.

Lộ lý do chủ biệt thự triệu đô thà bỏ hoang chứ không hoàn thiện cho thuê - 1

Biệt thự bỏ hoang la liệt tại một khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Cũng theo anh Sơn, bài toán hoàn thiện để cho thuê hay bỏ hoang cũng được anh nhiều lần cân nhắc, tìm lời giải. Nhưng xét về lợi nhuận, việc hoàn thiện cho thuê là không khả thi.

"Căn biệt thự của tôi có tổng hơn 500m2 sàn, việc đầu tư hoàn thiện đơn giản cũng tiêu tốn khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, giá cho thuê căn biệt thự này ước tính cũng chỉ được 30-35 triệu đồng/tháng. Như vậy, tôi phải mất 5-7 năm mới thu hồi được khoản vốn chi ra để hoàn thiện, chưa kể còn hàng loạt việc phát sinh về quản lý, lãi vay và hư hỏng công trình…", anh Sơn nói.

Theo anh Trần Đình Nguyên - một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội - cho rằng, biệt thự là một sản phẩm bất động sản thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư trong bất kỳ giai đoạn nào của thị trường. Nhà đầu tư mua được biệt thự thường là "đại gia" và những người sử dụng đòn bẩy tài chính.

"Ở thời điểm "sốt nóng" có nhà đầu tư họ sẵn sàng vay ngân hàng tới 70% giá trị để mua biệt thự nhằm mục đích đầu cơ mà không có nhu cầu ở, kinh doanh, cho thuê. Còn đối với nhà đầu tư là "đại gia" họ sẵn tiền, việc mua biệt thự của họ có thể là cho oai, giữ tiền mà không quan tâm tới việc sử dụng như thế nào", anh Nguyên chia sẻ.

Lộ lý do chủ biệt thự triệu đô thà bỏ hoang chứ không hoàn thiện cho thuê - 2

Chủ biệt thự không chọn phương án chi tiền tỷ hoàn thiện để cho thuê (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Cũng theo anh Nguyên, nếu không phải là người mua có nhu cầu ở thực thì đa số nhà đầu tư mua biệt thự sẽ chấp nhận bỏ hoang mà không tính tới hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Điều mà những chủ căn biệt thự này quan tâm là giá tăng như thế nào, hay lúc cần tiền mới bán.

"Giá hoàn thiện bên trong công trình biệt thự thấp nhất dao động từ 3-4 triệu đồng/m2. Ví dụ, chi phí hoàn thiện một căn biệt thự 200m2, 3 tầng là khoảng 1,8 tỷ đồng đến 2,4 tỷ đồng", anh Nguyên dẫn chứng.

Khó xử lý được biệt thự bỏ hoang

Lý giải về tình trạng biệt thự bỏ hoang tại nhiều khu đô thị ở Hà Nội, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là hệ quả của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư bất động sản. Các "đại gia" địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu "ảo" mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân.

Lộ lý do chủ biệt thự triệu đô thà bỏ hoang chứ không hoàn thiện cho thuê - 3

Biệt thự có giá trị triệu đô bỏ hoang gây lãng phí (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Chia sẻ về thực trạng này, theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội - mối tương đồng giữa sản phẩm đầu ra (các loại hình nhà ở, khu đô thị) và nhu cầu của xã hội chưa đồng nhất. Ngày trước, không ít chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở, không chú trọng đến việc hạ tầng, tiện ích sống…

Cũng theo ông Nghiêm, có xử lý triệt để được tình trạng bỏ hoang hay không là câu hỏi khó. Bởi, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, không cấm việc sở hữu nhiều nhà. Cũng không hạn chế việc kinh doanh bất động sản.

Còn theo một vị giám đốc doanh nghiệp địa ốc, tình trạng biệt thự bỏ hoang xảy ra nhiều ở những khu đô thị cũ. Hiện nay, nhiều khu đô thị mới mọc lên được chủ đầu tư chú trọng đầu tư đầy đủ tiện ích, không gian xanh,… nhằm thu hút nhà đầu tư cũ.

"Có chủ đầu tư còn đưa ra các chương trình ưu đãi khách hàng là chủ các căn biệt thự hoàn thiện, đưa vào sử dụng… tránh tình trạng biến thành khu đô thị "ma". Ngoài ra, việc không bỏ hoang biệt thự còn thúc đẩy tiện ích của các khu đô thị phát triển", vị giám đốc doanh nghiệp địa ốc chia sẻ.