Liệu bong bóng bất động sản có hình thành ở thị trường Thanh Hóa?
(Dân trí) - Ở thời điểm hiện tại, bức tranh toàn cảnh bất động sản Thanh Hóa đang ngày càng sôi động hơn nhờ sự vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Quy hoạch chung đang được đẩy mạnh
Trước thực trạng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… đang ngày càng trở nên khan hiếm, làn sóng đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển dần về các tỉnh lân cận với nhiều tiềm năng sinh lời. Trong đó nổi bật phải kể đến Thanh Hóa - địa phương sở hữu diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước.
Thanh Hóa sở hữu quỹ đất lớn, nguồn nhân công dồi dào, được giới chuyên môn nhận định là điểm đến giàu tiềm năng để phát triển du lịch cũng như các ngành công nghiệp, cảng biển và nhiều hoạt động kinh tế hiện đại… Không chỉ vậy, địa phương này đã và đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, mang lại nhiều lợi thế về giao thông, di chuyển.
Từ nửa cuối 2020 đến nay, Thanh Hóa được đánh giá là điểm sáng trên thị trường bất động sản với hàng loạt các dự án mới. Nổi bật có thể kể đến là dự án trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng số vốn đầu tư lên đến 190 triệu USD đã chính thức được ký kết; dự án đầu tư địa điểm sản xuất thiết bị điện tử với tổng vốn 1.3 tỷ USD của tập đoàn Foxconn.
Tháng 1/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 quần thể khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến. Tháng 2/2021, địa phương cũng quyết định phê duyệt quy hoạch Khu đô thị sinh thái, khu du lịch ven sông Mã của tập đoàn FLC cùng nhiều dự án lớn nhỏ khác trên địa bàn.
Với sự nở rộ về quy hoạch địa phương, đặc biệt là ở tuyến huyện, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang là điểm đến hấp dẫn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư. Theo số liệu thị trường, giá đất tại địa phương này đang có xu hướng tăng dần và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nữa, lý do bởi mặt bằng giá đang ở mức trung bình, chưa cao như các thành phố khác.
Liệu Thanh Hóa có đang hình thành "bong bóng bất động sản"?
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, một số nhà đầu tư cũng e ngại về việc hình thành "bong bóng bất động sản" tại Thanh Hóa. Tuy vậy, giới chuyên môn nhận định rằng, đây chỉ là sự phát triển tất yếu của thị trường.
"2021 sẽ là một năm nhiều hứa hẹn của thị trường bất động sản Thanh Hóa trên bản đồ đầu tư, đặc biệt là ở phân khúc đất nền với nhiều dự án nhiều tiềm năng sinh lời hấp dẫn. Thanh Hóa là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển và được chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Việc giá đất sẽ tăng dần cũng là xu hướng tất yếu, tuy vậy việc tăng giá này là có cơ sở trước nhu cầu và tiềm năng thực tế" - ông Nguyễn Quốc Huy, tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Ams nhận định.
Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư FDI trong 5 năm qua, đang là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Từ 2016 - 2020), Thanh Hóa thu hút hơn 1.070 dự án đầu tư trực tiếp, bao gồm 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 114.500 tỷ đồng và hơn 3.6 tỷ USD. Điều này giúp Thanh Hóa được kì vọng sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai gần, tạo ra hệ sinh thái mới, do vậy, giá đất tăng là dựa trên nhu cầu thật.
"Tuy không phải "bong bóng bất động sản" nhưng các nhà đầu tư cũng nên thận trọng khi "chọn mặt gửi vàng". Nhà đầu tư nên lựa chọn những dự án của chủ đầu tư uy tín, các dự án đã được cấp số hoặc đủ điều kiện pháp lý. Hãy ưu tiên những dự án đã hình thành cụm dân cư với mật độ từ vừa phải đến đông đúc hoặc dự án đã được chính quyền có chủ trương phát triển cụm dân cư, công nghiệp, cầu cảng… trong tương lai. Muốn an toàn thì các nhà đầu tư không nên theo phong trào mà nhanh chóng quyết định. Đối với những khu vực có giá cao "đáng ngờ" hơn từ 30% trở lên so với mặt bằng giá của 6 tháng trước thì cần cân nhắc kỹ. Hãy thật tỉnh táo trước những thông tin đầu cơ siêu lợi nhuận, nên tìm hiểu thông tin kỹ càng và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xuống vốn đầu tư" - ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.