Lễ hội nguyền rủa để cầu may dịp cuối năm tại xứ sở hoa anh đào

Minh Hương

(Dân trí) - Khác với khẩu hiệu "wasshoi" hay "soiya" được hô vang tại các lễ hội khác, ở Akutai, đám đông lại hô vang những lời chửi rủa.

Hình ảnh gợi nhớ tới lễ hội Akutai, được tổ chức tại đền Atago, thành phố Kasama, tỉnh Ibaraki ngày 15/12 hàng năm, là đám đông chửi rủa, giật đồ cúng của các thầy tu. Chính vì vậy, tên của lễ hội Akutai nghĩa là lễ hội chửi rủa. Hành động này được coi là để xua đuổi ma quỷ, những linh hồn xấu xa và như một cách quẳng đi những gánh nặng, âu lo trong lòng mỗi người vào thời điểm năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến.

Tương truyền, lễ hội Akutai khởi nguồn từ thời Edo (1603-1868), khi lãnh chúa vùng Tsuchiura Domain thời bấy giờ đặt ra phong tục này để người dân có cơ hội giãi bày những việc khiến họ chưa hài lòng.

Lễ hội nguyền rủa để cầu may dịp cuối năm tại xứ sở hoa anh đào - 1

Đám đông dự lễ hội Akutai tìm cách giật đồ cúng từ các thầy tế. Ảnh: Mainichi

Lễ hội bắt đầu vào khoảng đầu giờ chiều ngày 15/12. Nhóm 13 thầy tế tại đền Atago mặc trang phục màu trắng, đội mũ đen, mang gậy tre, giả làm những con quỷ tengu bắt đầu hành trình leo lên ngọn núi Atago có độ cao 306m. Trên đường đi, họ ghé vào 16 ngôi đền nhỏ và phân phát những đồng tiền xu và bánh gạo.

Đám đông người tham dự lễ hội theo sau các thầy tu trong suốt hành trình và hô vang những lời nguyền rủa "bakayaro" nghĩa là "đồ ngốc". Điều du khách cần lưu ý khi tham gia lễ hội là không hướng trực tiếp về phía những thầy tế trong trang phục con quỷ tengu khi nói những lời chửi rủa bởi loài yêu quái này được coi là người truyền tin của các vị thần trong văn hóa dân gian Nhật Bản.

Lễ hội nguyền rủa để cầu may dịp cuối năm tại xứ sở hoa anh đào - 2

Đám đông chờ thầy tế kết thúc cầu nguyện để giật đồ cúng. Ảnh: Mainichi

Các món đồ cúng được các thầy tế phát tại các ngôi đền được coi như những vật may mắn mang đến sức khỏe, bình an. Vì vậy, đám đông chờ tới khi thầy tế kết thúc cầu nguyện rồi bắt đầu hô vang những lời chửi rủa và tranh cướp đồ cúng với mong ước có được sức khỏe dồi dào, gia đình được bình yên, mùa màng bội thu trong năm mới.

Lễ hội kết thúc khi đoàn người quay trở lại đền Atago và các thầy tế tung bánh gạo, đồ ăn cho người dân. Nghi thức kết thúc lễ hội là hình ảnh những người tham gia hô vang khẩu hiệu "bakayaro" ba lần.