Lễ hội khỏa thân 'độc lạ' tại Nhật Bản
(Dân trí) - Nhật Bản được biết đến là đất nước với những ý tưởng sáng tạo kỳ lạ không giới hạn. Và người dân nơi đây cũng có rất nhiều cách để tổ chức các lễ hội theo cách "hiếm có khó tìm".
Nhắc đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến một đất nước có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, tại xứ sở mặt trời mọc có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra, mỗi sự kiện đều mang nét đặc trưng rất riêng.
Một trong những lễ hội thu hút đông người tham gia và được mong chờ nhất trong năm đó là "Lễ hội khỏa thân Hadaka Matsuri". Đây được xem là lễ hội khỏa thân lớn và "độc lạ" nhất thế giới đã từng được kênh CNN đưa tin nhiều lần.
Hadaka Matsuri được tổ chức thường niên vào ngày thứ 7 tuần thứ ba của tháng 2. Lễ hội diễn ra tại đền Saidaiji Kannonin, cách thành phố Okayama khoảng 30 phút đi tàu và thu hút rất đông du khách hiếu kỳ từ khắp mọi nơi.
Diễn ra vào mùa xuân, khi tiết trời vẫn còn lạnh giá, nhưng hàng năm lễ hội vẫn thu hút rất đông người tham gia. Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hadaka Matsuri vẫn thu hút khoảng 10.000 người tham dự, chưa kể du khách đến tham quan.
Tất cả người tham gia Hadaka Matsuri đều là nam giới. Tuy gọi là là lễ hội khỏa thân nhưng những người người tham gia không khỏa thân 100% mà vẫn mặc một chiếc khố trắng nhỏ xíu được gọi là "fundoshi" và một đôi tất trắng gọi là "tabi".
Lễ hội khỏa thân diễn ra vào đúng nửa đêm. Tuy nhiên, để người tham gia và du khách có thể thuận tiện sử dụng phương tiện công cộng về nhà sau lễ hội, người Nhật quyết định đẩy thời gian tổ chức lên lúc 10 giờ đêm kể từ năm 2010.
Những người tham gia lễ hội phải mặc trang phục truyền thống, sau đó đi qua một bể nước lạnh để thanh tẩy cơ thể trước khi bước vào ngôi đền linh thiêng.
Đúng 10 giờ đêm, đèn điện trong ngôi đền sẽ tắt. Một vị đạo sĩ đứng từ cửa sổ sẽ ném xuống đám đông 2 chiếc que may mắn dài 20 cm gọi là Shingi. Và đó là lúc phần sôi động nhất của lễ hội bắt đầu. Đám đông hàng nghìn người sẽ tranh cướp vật phẩm này trong 30 phút. Người tham gia có thể bị trầy xước, bầm tím thậm chí bong gân do tranh giành.
Theo truyền thống Nhật Bản, người nào có cơ hội bắt được Shingi, bỏ vào chiếc hộp gỗ (gọi là masu) chứa đầy gạo thì sẽ được may mắn và hạnh phúc trong suốt 12 tháng tiếp theo.
Lễ hội Hadaka Matsuri mang ý nghĩa cầu mong một vụ mùa bội thu, tôn vinh văn hóa sinh sản. Một phần của lễ hội được tổ chức dành riêng cho các bé trai, với hy vọng truyền thống sẽ được tiếp nối trong tương lai.
Hadaka Matsuri có nguồn gốc cách đây 500 năm. Ban đầu chỉ có người dân địa phương tham gia, sau đó ngày càng có nhiều người từ khắp nơi muốn có những lá bùa may mắn đó, khiến cho lễ hội trở nên lớn và đông đúc hơn. Khi đó, người dân vẫn sử dụng những tấm bùa bằng giấy, nhưng do dễ rách nên thay bằng que gỗ như hiện nay.
Không chỉ người dân địa phương, ngay cả du khách cũng có thể tham gia vào lễ hội. Bạn chỉ cần đăng ký với ban tổ chức hoặc có thể tự mua khố và tất tabi.