Khó khăn về vốn hàng loạt dự án đất vàng đổi chủ

Khó khăn về nguồn vốn và đầu ra của thị trường bất động sản thời gian qua đã “vắt kiệt” sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Điều này khiến không ít quỹ đất vàng phải đổi chủ.

Khó khăn về vốn hàng loạt dự án đất vàng đổi chủ - 1

Sun Frontier vốn bị đắp chiếu nhiều năm, sau khi chuyển giao cho chủ đầu tư mới dự án có tên gọi The Royal – Boutique & Condo Da Nang

Tại TP.HCM, thông qua việc nhận chuyển nhượng 99,9% vốn của Công ty CP Hiệp Phúc từ Quốc Cường Gia Lai, LDG Group chính thức sở hữu khu căn hộ Sông Đà Riverside.

Dự án "hồi sinh" qua chuyển nhượng

Giá trị thương vụ chuyển nhượng không được đề cập nhưng đó là con số không hề nhỏ. Dự án Sông Đà Riverside nằm ven sông Sài Gòn trên trục đường Quốc lộ 13 kết nối vào trung tâm thành phố và đường Phạm Văn Đồng.

Sông Đà Riverside có thâm niên “ngủ đông” suốt gần một thập niên (2008) khi không thể triển khai. Đến 2017, Công ty ANI chuyển nhượng dự án cho đối tác An Vui với giá trị 280 tỷ đồng. Trong năm này, Quốc Cường Gia Lai mua lại Công ty An Vui, đổi tên thành Hiệp Phúc.

Sau khi đổi chủ, dự án có tên mới là căn hộ Saigon Riverside City, dự kiến sẽ triển khai căn hộ nhưng do nhiều khó khăn mà tiếp tục đắp chiếu cho đến khi LDG Group chính thức sở hữu. Sau khi về tay LDG, dự án này chính thức mang tên Khu căn hộ cao cấp LDG River có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỷ đồng.

Ở thị trường miền Trung, Danh Khôi Group nổi lên với loạt thương vụ “thâu tóm” có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, công ty này vừa mua lại thành công 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier. Dù không chính thức tiết lộ nhưng có thể đoán được giá trị "khủng" của thương vụ do Sun Frontier là dự án có vị trí vàng ngay trung tâm TP. Đà Nẵng.

Dự án tọa lạc trên đại lộ Bạch Đằng, tuyến đường cao giá nhất theo bảng giá đất 2020-2024 vừa được UBND TP. Đà Nẵng đề xuất. Sun Frontier vốn bị đắp chiếu suốt nhiều năm chưa rõ nguyên nhân, sau khi chuyển giao về cho Danh Khôi, dự án có tên gọi mới là The Royal – Boutique & Condo Da Nang. 

Cũng tại Đà Nẵng, Danh Khôi còn mua lại một dự án ven biển khác là Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty CP Đầu Tư Du Lịch Hà Nội Non Nước. Có quy mô diện tích 7,5 hecta, nằm trên đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn, dự án từng có lịch sử bị “xếp xó” khá lâu.

Sau khi mua lại Danh Khôi đang tiến hành xây dựng với tên gọi mới là Aria Đà Nẵng Hotel & Resort. Theo kế hoạch, Aria Đà Nẵng sẽ bao gồm 836 căn hộ du lịch chuẩn 5 sao, 200 phòng khách sạn 5 sao và 28 villa hạng sang được phát triển và vận hành theo tiêu chuẩn 5 sao.

Ngoài những thương vụ M&A kể trên, Tập đoàn Danh Khôi còn là chủ nhân mới trong thương vụ mua lại 3 lô đất “vàng” có quy mô diện tích hơn 11.000 m2 thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Sau khi mua lại, Danh Khôi đang biến khu đất vàng này thành một dự án đẳng cấp với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang. 

Hướng đi tất yếu

Dự đoán về thị trường M&A lĩnh vực bất động sản, bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho rằng, những chủ đầu tư có nguồn vốn vững chắc lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ. Những tài sản tại vị trí đắc địa trước đây vốn không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng do cần huy động nguồn tiền mà được đưa ra chào bán sẽ được các ông lớn tiềm lực mạnh thâu tóm nhanh chóng.

"Hiện tại, đại dịch Covid-19 đang khiến toàn nền kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong khi dòng tiền đầu vào bị chặn đứng do không bán được hàng, tắc về dự án thì hàng loạt các chi phí như lãi vay, vận hành, thuê kho bãi, nhà xưởng vẫn phải chi trả. Đã có những chủ đầu tư tại Phú Quốc, Đà Nẵng rao bán cả dự án khách sạn, một điều vốn ít khi xảy ra trước đây. Dù biết đây không phải là thời điểm thích hợp để rao bán dự án, nhưng khó khăn khiến doanh nghiệp cũng không gượng nổi thêm nữa và phải tìm hướng phục hồi", bà Trang Bùi phân tích.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Bảo, P.TGĐ Danh Khôi nhìn nhận, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện các dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

"Sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, góp phần biến những dự án “trùm mền” thành những khu dân cư hiện đại, làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin" - ông Bảo cho biết.