Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết”

Nhật Minh Trường Thịnh

(Dân trí) - Những dòng kênh rác ô nhiễm đang hồi sinh như một kỳ tích, trả lại cảnh quan xinh đẹp cho đôi bờ. Trước đây không ai dám mơ đến hình ảnh chạy bộ, dạo chơi bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay một căn nhà cấp 4 tại đây có thể trị giá hàng tỷ đồng.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 1
Những dòng kênh “chết” được hồi sinh, trả lại vẻ đẹp hoa lệ, lộng lẫy cho một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông (Ảnh: Nhật Minh)

Hành trình hồi sinh ngoạn mục

Trở lại thời gian 20 năm trước, khi nói đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người ta sẽ nghĩ ngay đến một dòng kênh “chết” bởi lúc bấy giờ, ven bờ ken đặc nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm, nhếch nhác; dưới kênh thì một màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc.

Thời điểm đó, người ở trên bờ phải cầm cố “chịu trận” từng ngày, khách đi ngang chỉ vội bịt mũi đi thật nhanh, mấy lớp khẩu trang cũng không cản được mùi hôi xộc vào. Gần nửa đời người sống tại khu vực kênh Nhiêu Lộc, ông Đỗ Văn Quang (quận 3) tặc lưỡi ngao ngán: mùi hôi, ruồi nhặng, chuột đã đành, có những thời điểm thủy triều lên, không có ống cống thoát nước, dòng nước đen kịt kèm bao nhiêu rác thải dưới kênh cứ thế tràn cả vào nhà. Vậy là mọi người phải hì hục lấy can, thau hứng, lấy chổi tre để tạt ra bên ngoài.

Rồi Thành phố quyết tâm cải tạo dòng kênh, hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải tỏa. Năm 2002, dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỉ đồng được chính thức triển khai. Sau 10 năm, đề án cải tạo môi trường dòng kênh cùng với dự án chỉnh trang, mở rộng hai tuyến đường ven kênh (đường Hoàng Sa và Trường Sa) được khánh thành đã tạo ra một bước ngoặt, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 2
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn hướng về Q.1, Q.3 đã mang trên mình diện mạo mới (Ảnh: Nhật Minh)
Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 3
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sau 10 năm cải tạo, giờ xanh mát uốn lượn hiền hòa, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Thành Phố (Ảnh: Nhật Minh)
Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 4
Một góc Kênh Nhiêu Lộc nối quận 3 và quận Phú Nhuận (Ảnh: Shutterstock)

Vậy là dòng kênh đen kịt nhường chỗ cho màu nước trong, hai bên đường cây xanh thẳng tắp, hoa giấy khoe sắc rực rỡ, vỉa hè được lót đá, sáng trưng đèn thắp về đêm. “Nhà chúng tôi trở thành nhà mặt tiền. Mỗi sáng vợ chồng tôi tập thể dục ven kênh, có hôm thì đẩy cháu nội đi dạo, hít thở không khí mát rượi, cuộc sống tươi vui, thoải mái lắm."- ông Quang cười tươi cho biết.

Bây giờ, chạy ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người ta không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của cảnh quan dọc hai bờ mà còn cảm nhận được làn gió mát từ dòng kênh thổi lên. Mỗi sáng, người dân tản bộ dọc bờ kênh tán gẫu, tập thể dục. Chiều chiều, thuyền của công ty du lịch chầm chậm đưa khách tham quan, vừa uống trà vừa ngắm Sài Gòn hoàng hôn. Những dịp lễ, đôi bờ lại được chìm trong không khí hân hoan: mùa Tết rộn ràng đua thuyền mộc, mùa Vu Lan chen chân đi ngắm hoa đăng sáng rỡ.

Không chỉ Nhiêu Lộc, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận 4 và quận 6) cũng từng chung số phận. Nơi này từng được xem là điểm đen của ô nhiễm và tệ nạn 2 bên bờ. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai cải tạo, từ 2010 - 2015, toàn bộ dòng kênh này đã được hồi sinh một cách nhanh chóng. Là người trực tiếp chứng kiến sự hồi sinh của dòng kênh, gia đình bà Linh (quận 6) vẫn không giấu được sự vui mừng khi chứng kiến dòng kênh “chết” giờ đã khoác trên mình chiếc áo mới. Chúng tôi không còn sống chung với nhếch nhác, ẩm thấp và mùi hôi bên bờ kênh đen. Nhà tôi ra mặt tiền, giá đất tăng vùn vụt, có mơ cũng không tin là căn nhà cấp 4 giờ đã hơn 10 tỉ đồng" - bà Linh hồ hởi khoe.

Tuyến kênh thứ 3 tại TPHCM cũng được đầu tư cải tạo là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8. Một thời gian dài tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé bị bỏ hoang, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần. Kéo theo đó, nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ được cất san sát dọc hai bờ kênh, rác nổi lềnh bềnh. Nhưng giờ tất cả điều đó đã trở thành quá khứ, thay vào đó là một dòng kênh đã lột xác, uốn mình mềm mại dọc theo đại lộ Đông - Tây.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 5
Kênh Tàu Hủ trong xanh chạy dọc đại lộ Đông Tây hiện đại, khang trang (Ảnh: Nhật Minh)
Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 6
Kênh Tàu Hủ đoạn hướng về Bến Nghé, Q.1 sau khi được khơi thông đã khoác lên mình diện mạo hiện đại, xinh đẹp (Ảnh: Nhật Minh)

Bất động sản đôi bờ thay áo

Việc cải tạo kênh, rạch không chỉ giúp diện mạo TP.HCM thay đổi, mà bất động sản ven bờ cũng được hưởng lợi lớn từ “view sông”. Có thể kể đến nhiều dự án trên tuyến đường Bến Vân Đồn (Q.4). Sau khi được chỉnh trang, mở rộng và cải tạo, con đường này đã trở thành con đường “đối trọng” giữa Q.4 với đại lộ Võ Văn Kiệt (phía bờ Q.5 và Q.1). Với tầm nhìn đẹp cùng vị trí liền kề trung tâm thành phố, tuyến đường này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp bất động sản như Novaland, Phát Đạt, DRH Holdings đến đầu tư với hàng loạt dự án khu căn hộ liên tiếp mọc lên.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 7

Rạch Bến Nghé đoạn chảy qua Bến Vân Đồn – Quận 4 với hai bên bờ bất động sản phát triển mạnh (Ảnh: Nhật Minh)

Hay dọc kênh Nhiêu Lộc (đoạn hướng từ Q.3 về Phú Nhuận), mới đây, UBND TP.HCM đã công bố đồ án chỉnh trang đô thị gần 110 ha đất dọc kênh Nhiêu Lộc. Đồ án này thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Thành phố đang tiếp tục triển khai việc lọc kênh, chỉnh trang đô thị ven bờ khu Tây. Cụ thể như đề án lọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ (GD3) nhằm chống ngập và cải thiện môi trường cho lưu vực này với tổng vốn triển khai lên đến 9.782 tỉ đồng. Khi việc chỉnh trang khu vực kênh Tàu Hủ hoàn thiện, người dân thành phố sẽ được sống lại ký ức "đại lộ Tàu Hũ", nơi tấp nập xuồng ghe giao thương lúa gạo, hoa tươi, trái cây, gạch gốm từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ đổ về.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 8

Kênh Đôi khu vực chảy qua Quận 8 sẽ tiếp tục được khơi thông, sớ trả lại diện mạo khang trang
cho khu vực này (Ảnh: Nhật Minh)

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 9

Khu vực Kênh Đôi và Kênh tẻ hướng về Quận 6, Quận 8 (Ảnh: Nhật Minh)

Đón đầu việc thay đổi này, một số dự án bất động sản đã và đang được giới thiệu ra thị trường khu vực này như: Viva Riverside, Aurora… Hay gần nhất là thông tin ra mắt thị trường của dự án D-Aqua do DHA Corp phát triển. Dự án tọa lạc ngay trung tâm Q.8, mặt tiền đường Bến Bình Đông, ngay khu vực Bến Hoa Tết trên kênh Tàu Hủ quen thuộc của người dân Sài gòn. D-Aqua gồm 02 block căn hộ, dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 600 căn với mức giá trung bình vừa tầm, phù hợp với nhu cầu ở của người trẻ. Đại diện nhà phát triển dự án DHA cho biết thêm: D-Aqua còn sở hữu mô hình tuyến phố thương mại mở giữa thiên nhiên đầu tiên trên khu vực. Tuyến phố này gồm các hoạt động dịch vụ, mua bán sầm uất đi kèm với chuỗi hoạt động giải trí đường phố nhộn nhịp đáp ứng nhu cầu cư dân nội khu và người dân trong khu vực.

Hành trình hồi sinh bên những dòng kênh “chết” - 10
Dự án tọa lạc ngay trung tâm Q.8, mặt tiền đường Bến Bình Đông, ngay khu vực Bến Hoa Tết trên kênh Tàu Hủ quen thuộc của người dân Sài Gòn

Có thể thấy, những dòng kênh vốn đen ngòm, được xem như dòng kênh “chết” giờ được khoác trên mình tấm áo xanh mát mới, uốn lượn giữa lòng Sài Gòn gợi nhớ về hình ảnh của một Hòn Ngọc Viễn Đông trù phú. Cùng với đó là sự bứt phá của các dự án bất động sản đôi bờ, cộng hưởng và tạo nên điểm nhấn cho một Sài Gòn ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.