Hạn chế "xã hội đen" trong đấu giá đất công: Cần phát triển đấu giá trực tuyến

Để hạn chế tình trạng quân xanh, quân đỏ "bắt tay" nhau trong đấu giá đất công, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hạn chế việc chuyển nhượng, tặng giá khởi điểm và sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Xanh cho rằng, ở các loại đấu giá đều có "xã hội đen" tham gia. Một số vụ việc còn có sự buông lỏng của lực lượng công an, hay sự “bắt tay” của các đơn vị công quyền khiến cho người có nhu cầu thực không mua được sản phẩm đấu giá. Cũng theo ông Đực, quy định pháp luật trong lĩnh vực đấu giá đã khá đầy đủ công tác tổ chức, điều hành đấu giá cần phải làm tốt hơn.

“Hệ thống quản lý đấu giá phải chặt chẽ, cần thiết phải thuê những đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp tư nhân hoặc nhà nước để tránh sự ưu tiên, đe dọa… Luật có tốt đến mức nào nhưng cách tổ chức yếu kém thì cũng như không?” - ông Đực nói.

Hạn chế xã hội đen trong đấu giá đất công: Cần phát triển đấu giá trực tuyến - 1

Các cuộc đấu giá đất cần công khai thông tin và được tổ chức đảm bảo an ninh trật tự. (Ảnh cuộc giá đất ở Đông Anh, Hà Nội năm 2019). Ảnh: V.Q

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, mức giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá thấp so với thực tế dẫn đến cơ hội cho các nhóm "xã hội đen" bất chấp tham gia để trục lợi. Việc đưa giá khởi điểm cao hơn giá thị trường và tổ chức thành nhiều đợt sẽ mang lại hiệu quả cho nhà nước và người có nhu cầu thực về sở hữu có thể mua được.

“Đứng vai trò của Sở Tài chính, căn cứ theo đơn giá đất của Nhà nước đưa ra giá đất khởi điểm để đấu giá. Tuy nhiên, chính quyền có thể khuyến cáo, trong từng giai đoạn, chúng ta có thể khởi điểm giá đất, cao hơn giá quy định. Nếu chúng ta không tổ chức đấu giá được thì chúng ta lại tổ chức ở phiên đấu giá khác chứ không phải vì lý do ngại, đưa về giá khởi điểm”.

Ngoài ra, ông Đực cũng đưa ra ý tưởng ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” tham gia vào các cuộc đấu giá là hạn chế việc sang nhượng các lô đất trúng giá. “Người trúng giá không cho sang nhượng trong vòng mấy tháng hoặc vài năm để ngăn chặn tình trạng mua đi bán lại”- ông Đực nói.

Đại biểu Quốc hội hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo Luật Đấu giá tài sản, có 4 hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến. Hai hình thức đấu giá trực tiếp dễ phát sinh tiêu cực trong khi đó đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức phát huy được tính hiệu quả nhất, giúp ngăn chặn được phần lớn những tiêu cực trong đấu giá tài sản.

Người đăng ký tham gia đấu giá sẽ được nhận phiếu trả giá ngay khi mua hồ sơ. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu được niêm phong trong suốt thời gian tổ chức đấu giá. “Cách làm này sẽ khiến cho người có tài sản, tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá và cả các đối tượng quấy rối khó có thể thông đồng, dàn xếp được với nhau. Và các đối tượng quấy rối, xã hội đen, lợi ích nhóm cũng khó can dự được vào việc trả giá của người tham gia đấu giá”-ông Hoà nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoà, để đảm bảo khách quan thì hình thức đấu giá trực tuyến cần được quan tâm và đầu tư. Hình thức này tuy có đòi hỏi một số điều kiện về công nghệ nhưng sẽ là xu thế cần thực hiện. Song vấn đề cốt lõi không phải là hình thức đấu giá mà là chủ tài sản, tổ chức đấu giá có triển khai cuộc đấu giá một cách công khai, minh bạch hay không.

Theo Minh Khôi

Dân Việt