Hà Nội yêu cầu thanh tra việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà

(Dân trí) - Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận trong việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà.

Hà Nội yêu cầu thanh tra việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà - 1
Công viên nước trăm tỷ tan hoang sau tháo dỡ.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc yêu cầu thanh tra, làm rõ trách nhiệm UBND các cấp, phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý.

Theo đó, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra đến Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 29/2/2020.

Đồng thời giao Văn phòng UBND TP Hà Nội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo UBND TP.

Trước đó, buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 11/2 đã “nóng” với nhiều câu hỏi liên quan đến việc UBND quận Hà Đông cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tại khu Công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương) thuộc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 vào ngày 15 - 16/1.

Theo đó, phóng viên đặt vấn đề về việc sau khi quận tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, có ý kiến cho rằng, đây là việc “phá dỡ chứ không phải tháo dỡ”.

“Đề nghị UBND quận Hà Đông cho biết, phương án được phê duyệt là cưỡng chế tháo dỡ hay phá dỡ? Nếu là phá dỡ thì vì sao phải đập phá khối tài sản hàng trăm tỷ trong khi có thể tháo dỡ?”, phóng viên nêu câu hỏi.

Liên quan tới vụ việc này, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý khẩn cấp việc UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.

“Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…”, Cienco 5 cho biết.

Do đó, đại diện Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do hành vi thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật mà UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Mạnh