Hà Nội phải trả giá ra sao sau những dễ dãi, bừa bãi trong quy hoạch?
(Dân trí) - Nhập nhèm đất tâm linh; Hà Nội phải trả giá sau những dễ dãi, bừa bãi trong quy hoạch; Quảng Ninh yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch đảo Tuần Châu; ... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Quy hoạch dễ dãi, Hà Nội đang phải trả giá ra sao?
Vì đâu mà những tòa nhà chọc trời vốn được coi như 1 giải pháp nhà ở của người dân thành thị tại các đô thị lớn lại trở thành tội đồ cho hàng loạt những bất cập?
PGS. TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng viện Nghiên cứu định cư đã đưa ra lý giải từ một trường hợp cụ thể là Hà Nội. Theo bà Thục, việc cấp phép xây dựng bừa bãi và quá trình xây dựng vi phạm những quy chuẩn rất cơ bản của xây dựng đô thị là nguyên nhân của những vấn nạn trên.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, chúng ta lấp đi 94-95 % các mặt nước và cấu trúc tự nhiên của Hà Nội. Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm từng đạt mật độ cây xanh là 5-6 m2/người, hiện chỉ còn 0,4 m2/người. Hà Nội trước kia cũng từng giữ được mật độ cây xanh vào khoảng 3-4m2/người, bây giờ chỉ còn 0,8m2/người.
Việc xây dựng bừa bãi những dãy nhà cao tầng chắn mặt tiền của thành phố, chắn những hướng gió chủ đạo vào thành phố là chặn mất một nguồn lợi từ thiên nhiên làm mát thành phố, khiến nhiệt độ các thành phố càng tăng cao vào mùa nắng nóng. Như vậy, đại đa số các tòa cao tầng ở Hà Nội được hình thành đều vi phạm những quy tắc cơ bản của xây dựng đô thị.
Do đó, theo bà Thục, không gian đô thị phải chồng khít với không gian kinh tế thì người dân mới an cư được.
Theo bà Thục, giải pháp thích hợp vẫn phát triển nhà cao tầng nhưng với các không gian mở và dải cây xanh cần thiết. Singapore và Hồng Kông là những ví dụ tốt nhất của xu hướng này.
Dự án khu đô thị triệu USD Hạ Long Star: Chậm tiến độ cả thập kỷ, rơi vào tầm ngắm thu hồi
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa giao TP. Hạ Long đôn đốc Công ty TNHH Limitless World (Việt Nam) triển khai thực hiện ngay Dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star theo quy hoạch được duyệt.
“Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, yêu cầu tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xử lý chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi đất (không được tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án) theo đúng quy hoạch đã được duyệt và đúng quy định hiện hành”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu.
Dự án Khu Đô thị du lịch Hạ Long Star có tổng diện tích khoảng 125ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến 550 triệu USD.
Dự án đã được khởi công vào năm 2007, tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế nên dự án đã triển khai chậm so với dự kiến.
Quảng Ninh yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch đảo Tuần Châu
Ngoài ra, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao TP Hạ Long một số nhiệm vụ về việc triển khai dự án đầu tư quan trọng sau khi Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương lập và phê duyệt kế hoạch lập các đồ án quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị để triển khai đảm bảo công tác quản lý; trong đó ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực phát triển du lịch như: Bãi Cháy, Hùng Thắng, khu trung tâm đô thị, các tuyến phố quan trọng...
Đối với Phân khu 8 (đảo Tuần Châu), cần rà soát lại toàn bộ các quy hoạch tại khu vực; yêu cầu triển khai quy hoạch chi tiết theo nguyên tắc hạn chế tối đa đất ở đô thị, tập trung quy hoạch đất dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, sân golf...) theo đúng định hướng quy hoạch đã được phê duyệt, tuyệt đối tuân thủ theo điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hạ Long đã được phê duyệt.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, quá trình đô thị hóa với sự bùng nổ của các khu đô thị, các dự án hạ tầng giao thông tạo nên sự chia cắt khu vực, hình thành những khu đất xen kẹt. Do đó, đặc điểm của phần lớn đất xen kẹt tại các thành phố lớn là nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch.
Đất xen kẹt tại các thành phố lớn là một thị trường ngách hấp dẫn giới đầu tư
Giới đầu tư cho rằng, đây là cơ sở cho việc chuyển đổi thành công mục đích sử dụng đất của đất xen kẹt lên đất thổ cư. Chưa có sổ và chuyển nhượng thông qua giấy viết tay nên giá của đất xen kẹt thấp hơn hẳn so với đất thổ cư cùng thuộc địa bàn.
Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất xen kẹt khu vực nội thành chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 so với giá thị trường. Đơn cử, đất xen kẹt tại các phường Khương Đình, Bùi Xương Trạch, Hạ Đình (Thanh Xuân) có giá chào bán 22-25 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường của đất đã có sổ là 40-60 triệu đồng/m2…
Theo GS. Đặng Hùng Võ, chúng ta đã từng có quy định đất nghĩa trang, nghĩa địa thuộc loại đất giao không thu tiền. Nhưng hiện có hàng loạt các dự án mà doanh nghiệp bán đất tại nghĩa trang với giá rất đắt, thậm chí còn cao hơn đất dành cho người sống. Trước thực tế đó, Luật Đất đai 2013 mới đưa nội dung “đất ở cho người chết” vào loại đất giao có thu tiền với mục đích kinh doanh dịch vụ.
Chùa Bái Đính là một dự án du lịch tâm linh thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm.
Câu chuyện đất tôn giáo hiện nay cũng ở dạng tương tự như vậy, về nguyên tắc việc giao đất tôn giáo cũng không thu tiền. Theo ông Võ, về bản chất dự án tâm linh hiện nay là việc hình thành các công trình du lịch để khai thác kinh doanh du lịch, nhưng có điểm khác đó là dự án dựa việc “phát triển tôn giáo” như vỏ bọc để chứa nội dung về kinh doanh du lịch. Điển hình đầu tiên là chùa Bái Đính (Ninh Bình), tiếp đến là chùa Tam Chúc (Hà Nam). Tương tự, tại Chùa Hương cũng đã có những đề xuất xây dựng các tổ hợp tôn giáo hoành tráng hơn nhiều các địa điểm khác…
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)