Hà Nội duyệt quy hoạch đô thị sông Đuống: Di dời một số khu dân cư

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống nêu rõ sẽ từng bước thực hiện di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.

Hà Nội duyệt quy hoạch đô thị sông Đuống: Di dời một số khu dân cư - 1

Toàn cảnh cầu Đuống bắc qua sông Hồng, nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Bắc).

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng), tỷ lệ 1/5000. Quy mô nghiên cứu khoảng 1.152 ha. Dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 8.296 người.

Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu nằm ở phía bắc và đông bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 thuộc các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Phía nam và tây nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên). Phía tây giáp cầu Bắc Cầu và phân khu đô thị sông Hồng; phía nam và đông nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.

Quy hoạch được quy hoạch bổ trợ cho cảnh quan trung tâm của khu vực phía bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ.

Đồng thời đây sẽ là khu vực có quỹ đất phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, kết hợp cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị.

Theo quy hoạch, khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, được cải tạo, xây dựng mới công trình theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Trong khi đó, một số khu vực phải di dời đảm bảo yêu cầu thoát lũ như trường hợp hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Khu vực này sẽ từng bước thực hiện di dời đối với một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.

Đối với đất nhóm nhà ở xây dựng mới, quy hoạch yêu cầu nghiên cứu bố trí tại khu vực bãi sông phù hợp (được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng) theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông Đuống, mật độ xây dựng thấp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối hài hòa, khai thác chất liệu kiến trúc truyền thống và bền vững, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, đồng bộ về hạ tầng.

Quỹ đất này sẽ ưu tiên cho tái định cư phục vụ nhu cầu di dân, giải phóng mặt bằng khu vực dân cư hai bên sông và góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử, nội thành. Công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 theo hướng để trống hoặc sử dụng đỗ xe, sinh hoạt công cộng... thích ứng và giảm thiểu thiệt hại khi có lũ.

Đồng thời quy hoạch cũng đề cập đến tiến hành rà soát các quỹ đất trống (đất công) có kế hoạch sử dụng. Nhóm quỹ đất này ưu tiên bố trí theo thứ tự: cây xanh nhóm nhà ở, công trình sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, trạm điện, điểm tập kết rác... phục vụ cộng đồng dân cư khu vực, tổ chức không gian chuyển tiếp giữa khu cũ và khu mới, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững của khu vực dân cư.

Còn đối với quỹ đất nhà ở xã hội, tái định cư, quy hoạch nêu rõ trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng (giai đoạn sau) đất ở xây dựng mới cần xác định cụ thể hóa các quỹ đất theo thứ tự ưu tiên: Quỹ đất nhóm nhà ở tái định cư phục vụ nhu cầu di dân, giải phóng mặt bằng trong khu vực.

Việc bố trí nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư sẽ được thực hiện khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội và quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư được bố trí tại các khu đô thị mới tại phân khu đô thị N9, N10.