Giới địa ốc thi nhau “ngủ đông”, cả nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh bất động sản với 1.103 doanh nghiệp, tăng 161,4%.

BĐS đứng “top” đầu về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản

Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 9 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 trung bình là 21,9%.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 do Cục quản lý đăng ký kinh doanh công bố là 38.629 doanh nghiệp, tăng đến 81,8% với cùng kỳ năm 2019.

“Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 9 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Cục quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.

Giới địa ốc thi nhau “ngủ đông”, cả nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động - 1
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao khi thị trường khó khăn.

Trong đó, lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh bất động sản (1.103 doanh nghiệp, tăng 161,4%).

Tỷ lệ tăng này còn lớn hơn một số lĩnh vực được coi là ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.414 doanh nghiệp, tăng 120,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (305 doanh nghiệp, tăng 102,0%)...

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 của lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng tăng mạnh mẽ. Có tới 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng, trong đó kinh doanh bất động sản đứng “top” đầu với tỷ lệ tăng là 50,3%.

Chủ đầu tư không giảm giá bán, tìm mọi cách xoay xở để bán hàng

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế khó khăn, chật vật. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Covid-19 làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.

Mặc dù chịu nhiều tác động song ông Lê Hoàng Châu cho biết, bất động sản không xuất hiện tình trạng giảm giá mạnh.

"Nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19", ông Châu cho biết. Đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao. Nguyên nhân được ông Châu lý giải là do chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.

Trong báo cáo vừa phát hành, đại diện JLL cũng cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, để gia tăng doanh số các chủ đầu tư không giảm giá mà thay vào đó đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn như gia hạn lịch thanh toán, hỗ trợ thời gian ân hạn lãi suất dài hơn, hoặc tặng phí quản lý trong 2 năm.

Khi chưa xuất hiện Covid-19 thì năm 2019, thị trường bất động sản cũng đã có dấu hiệu chững lại. Covid-19 được đánh giá như một “cú bồi” khiến tình hình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Kể từ khi các vấn đề pháp lý bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2018, thị trường khan hiếm nguồn cung khi nhiều dự án đang dừng do chậm trễ trong quá trình phê duyệt.

Giới địa ốc thi nhau “ngủ đông”, cả nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động - 2
Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2020 chứng kiến nhiều khó khăn.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, 100% các sàn giao dịch, cá nhân môi giới bất động sản chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Điều này khiến hàng nghìn môi giới không chỉ rơi vào tình trạng phải chuyển nghề, thậm chí mất luôn “kế sinh nhai”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới bất động sản lớn ở Hà Nội cho biết, việc “ngủ đông” cũng là một trong các giải pháp đáng cân nhắc với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

“Doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng. Mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng. Thiếu nguồn lực thì mất cơ hội”, vị này nói.

Cũng theo vị này, đối với doanh nghiệp, tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Doanh nghiệp nên dùng khoản vay để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, con gấu ngủ đông hàng tháng trời, nếu tỉnh dậy không tiếp tục có lương thực nạp vào thì nó sẽ chết thật. Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục bán hàng, không thể buông xuôi, đóng cửa ngủ đông rồi chờ dịch đi qua được.