Giới đầu tư Hà Nội ôm tiền "săn" đất nền khắp nơi, cẩn trọng "bỏng tay"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh "đánh bắt xa bờ" trong bối cảnh nhiều thị trường ở vùng ven Hà Nội bị đẩy giá quá cao và quỹ đất trung tâm không có nhiều.

Giới đầu tư Hà Nội ôm tiền săn đất nền khắp nơi, cẩn trọng bỏng tay - 1

Mức độ quan tâm các tỉnh miền Nam phục hồi mạnh mẽ. Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận mức quan tâm tăng 73%, Đồng Nai 75%... (Ảnh: Đại Việt).

"Đại gia" Hà Nội "ôm" bộn tiền rót vào bất động sản

Nhiều năm trước, các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng "đánh bắt xa bờ", vào tận các thị trường phía Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sau đó, giai đoạn 2019 - 2020, một xu hướng khác được chỉ ra, đó là một lượng đông đảo nhà đầu tư phía Bắc lại quay về tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, sau một thời gian giá cả vùng ven tăng "nóng", có nơi bị đẩy lên gấp 2-3, thậm chí nhiều nơi hạ tầng không tương xứng song giá cả vẫn leo cao "từng ngày", thì xu hướng "đánh bắt xa bờ" của giới đầu tư Hà Nội lại lớn dần trở lại.

Mấy ngày vừa qua, chị Hiền (Hà Đông) - một nhà đầu tư bất động sản đã đi khảo sát thị trường vùng ven Hà Nội để xuống tiền đầu tư nhưng không dám "chốt" vì hầu như giá đất mấy khu vực chị xem đều thiết lập mặt bằng mới. Chị sợ xuống tiền rồi lại "mắc cạn".

Chị Hiền sau đó quyết định thử tìm kiếm cơ hội ở xa hơn. Chị cùng một nhóm bạn đi vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… vừa kết hợp khảo sát đất đai, vừa du lịch. "Các khu dân cư ở vùng gần Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) "nóng" hầm hập khi giá cả tăng mạnh, có chỗ vài trăm triệu đồng mỗi mét ngang", chị Hiền kể.

Trước thông tin thị trường "sốt nóng" khắp nơi, ông Phan Viết Long - một nhà đầu tư tại Hà Nội cũng nóng lòng đi tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sau một thời gian tìm hiểu, ông Long vào Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm những lô đất nền gần biển với giá khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. "Khẩu vị" của những các nhà đầu tư chủ yếu hướng tới những nơi có thông tin đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.

Theo thông tin trên kênh Batdongsan.com.vn, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện nhiều nhóm khách đầu tư đi "gom hàng". Trong số này, đa phần là các nhà đầu tư đến từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…

Theo khảo sát trên kênh thông tin rao vặt bất động sản, khu vực gần chợ Phước Lâm (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) một số khu đất có diện tích 120 m2, nằm gần chợ, sát biển, mặt tiền đường nhựa có giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Hay những lô đất mặt tiền đường nhựa có diện tích 125 m2 ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, cách biển khoảng 2 km có giá chỉ 1,3 tỷ đồng.

Qua điện thoại, một môi giới khu vực này "quảng cáo": "Người dân mua để ở hay đầu tư đều có rất nhiều sự lựa chọn. Đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu đa phần đều là sổ hồng cầm tay nên người dân chỉ cần trả trước 30%, còn lại ngân hàng hỗ trợ. Số tiền đầu tư ban đầu rất dễ thở và phù hợp với nhiều người".

Người này cũng không quên giới thiệu, khu vực huyện Long Điền đang có nhiều tuyến đường được mở rộng và dân cư đông đúc với đầy đủ các tiện ích như siêu thị, trường học, bệnh viện nên cơ hội đầu tư rất cao.

Ghi nhận cho thấy, không chỉ ở huyện Long Điền, nhiều nhà đầu tư còn đến các khu vực khác của Bà Rịa - Vũng Tàu để "săn" đất nền như thị xã Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức… Giá đất mặt tiền đường nhựa tại các khu vực này dao động từ 1,2 - 3 tỷ đồng, tùy vào diện tích, vị trí.

Giới đầu tư Hà Nội ôm tiền săn đất nền khắp nơi, cẩn trọng bỏng tay - 2

Thị trường nóng trở lại, giới đầu tư đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những nơi còn tiềm năng về dư địa tăng giá.

Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh "đánh bắt xa bờ" trong bối cảnh nhiều thị trường ở vùng ven Hà Nội bị đẩy giá quá cao và quỹ đất trung tâm không có nhiều.

Một "đại gia" bất động sản Hà Nội - ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - vừa trực tiếp tham gia cuộc đấu giá lô đất 10.060 m2 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TPHCM và đưa ra mức giá cao gấp 8,3 lần khởi điểm.

Kết quả cuộc đấu giá đã thiết lập kỷ lục chưa từng có trên thị trường bất động sản cả nước. Một khoản tiền 24.500 tỷ đồng được người thắng cuộc chi ra, giá thắng đấu giá bình quân hơn 2,4 tỷ đồng/m2, cao gần gấp đôi mức giá đất "kim cương" khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) từng được xác lập.

Chuyên gia khuyến cáo gì?

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết thị trường đang "sốt nóng" trở lại. Theo ông, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung.

"Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn" ông Đính lo ngại.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, trong 2 năm vừa qua, cuối năm 2019 đến năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, bất động sản không bị rớt giá, thậm chí tăng mạnh. Nguyên nhân là trong 5 năm qua thị trường bất động sản nói chung có những khó khăn, do đó nguồn cung rất ít. Quỹ đất không có, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng khiến biên độ giá không giảm.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10 của một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường, hậu giãn cách xã hội, hoạt động giao dịch bất động sản trên cả nước có xu hướng sôi động trở lại. Đặc biệt, việc dịch bệnh được kiểm soát tích cực khiến mức độ quan tâm nhà đất tại nhiều tỉnh thành phía Nam bùng nổ.

Cụ thể, trong tháng 10, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố khu vực TPHCM và các tỉnh vệ tinh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng trưởng ấn tượng so với tháng trước đó. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường đứng đầu về thu hút người mua đất nền, nhà phố với mức tăng ấn tượng nhất tới 73%, Đồng Nai 65%; Khánh Hòa 42%...

Đưa ra lời khuyến cáo với giới đầu tư trong bối cảnh thị trường "nóng" trở lại, Chủ tịch Hội môi giới cho rằng, nhu cầu là có thật, không thể "nén" lại hay thay đổi. Nhu cầu đầu tư bất động theo ông Đính, cũng là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên để tránh những rủi ro khi đầu tư, ông Đính lưu ý đến các vấn đề như pháp lý, quy hoạch.

"Bất động sản không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp sự phát triển chung đều có thể dẫn đến rủi ro, bởi địa phương có thể điều tiết chính sách, không hỗ trợ cho việc chia tách sổ. Còn nếu không phù hợp quy định pháp luật thì sẽ bị thu hồi", ông Đính nói.

Trong khi đó, một chuyên gia khác lo ngại, ngay sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản như sau nén lại "bung" ra. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói nguồn lực trong dân còn rất nhiều là không sai, vị chuyên gia nhận xét. Vị này lo ngại hiện tượng "thổi giá", tăng ảo, do vậy khuyến cáo nhà đầu tư cần xem xét thận trọng.