Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục leo lên mức mới

(Dân trí) - Đại diện JLL Việt Nam vừa cho biết giá đất khu công nghiệp trong quý 2/2020 đã đạt mức mới cho dù dịch bệnh gây ảnh hưởng quá trình thuê đất.

Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục leo lên mức mới - 1

Hình minh hoạ.

Đại diện JLL Việt Nam vừa có thông tin cụ thể về thị trường khu công nghiệp tại Miền Nam trong quý 2/2020.

Theo đó, đại diện JLL Việt Nam cho biết, thị trường quý 2 ghi nhận tổng diện tích đất cho thuê của miền Nam đạt mức 25.045 ha.

Trong đó, một vài quỹ đất cho thuê còn lại ở một số khu công nghiệp hiện hữu tại TP.HCM vẫn bị đình trệ do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và gần đây là tác động của Covid-19, khiến nguồn cung này không thể ra mắt.

“Việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng và quỹ đất mới đang bị trì hoãn”, đại diện JLL cho biết.

Đáng lưu ý qua khảo sát, JLL cho biết giá đất đạt mức mới cho dù dịch bệnh gây ảnh hưởng quá trình thuê đất.

“Mặc dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp, tuy nhiên, với chiến lược đầu tư dài hạn, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn rất thu hút các nhà đầu tư”, JLL nhận định.

Trong quý 2/2020, JLL ghi nhận được sự tự tin của chủ đầu tư trong việc nâng giá đất với trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3,5-5.0 USD/m2/tháng, do hợp đồng chỉ ngắn hạn 3-5 năm và khách thuê cũng dễ chịu tác động của đại dịch.

Về triển vọng thị trường, đại diện JLL Việt Nam cho biết khi đại dịch hiện vẫn còn là mối đe dọa, việc đàm phán cho thuê và các yêu cầu mới sẽ còn tiếp tục đình trệ cho đến hết năm 2020. Thị trường dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục ngay sau khi tình hình được kiểm soát. Với thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19, nền tảng phát triển công nghiệp mạnh cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra hứa hẹn sẽ giúp đưa Việt Nam lên một tầm cao mới để cạnh tranh với các nước khác.

Tuy nhiên theo đơn vị chuyên nghiên cứu về bất động sản này, mặc dù nhu cầu vẫn cao, quá trình thuê đất vẫn bị đình trệ do hạn chế di chuyển. Nổi bật bởi nền tảng phát triển công nghiệp, Việt Nam, với mục tiêu trở thành một cường quốc công nghiệp mới của khu vực, đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với sở hữu tài sản công nghiệp trong nửa đầu 2020. Đến cuối tháng 6, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong nước, cho thấy đây là điểm đến an toàn và tiềm năng cho việc di dời sản xuất.

Tuy nhiên, do đại dịch vẫn diễn ra trong khu vực và toàn cầu, các giao dịch thành công được ghi nhận khá khiêm tốn trong quý. Chủ yếu là từ các nhà đầu tư trong nước hoặc đã được thực hiện trước dịch. Tỉ lệ lấp đầy trung bình tăng ở mức tương đối, khoảng 84 % so với Q1/2020 và cũng đạt 84% tính đến cuối quý 2/2020.

Trước đó, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, trước làn sóng rút FDI ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn hợp lý và rõ ràng nhất ở Đông Nam Á. Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố cần cải thiện như cơ sở hạ tầng, giá đất.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá đất khu công nghiệp đang tăng quá cao. "Trước khoảng 100 USD thấy cao rồi, hôm vừa rồi có người nói 150 USD, 200 USD” - ông Hoàng cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của các khu công nghiệp.

Theo ông Hoàng, muốn mời “đại bàng” đến thì phải có sẵn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên hiện nay quỹ đất đang thu hẹp lại, thêm vào đó giá lại càng cao.

Nguyễn Mạnh