Giá đất rao bán ở nhiều nơi tăng mạnh, có chỗ tăng 100% so với năm ngoái

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn song tình trạng sốt đất ở thời điểm hiện tại phần lớn vẫn là do nhóm đầu cơ tác động.

Giá đất rao bán ở nhiều nơi tăng mạnh, có chỗ tăng 100% so với năm ngoái - 1

Cảnh hoang sơ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh  - nơi đất sốt xình xịch (Ảnh: N.M).

Tại VRES 2021 vừa diễn ra, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết lượng người quan tâm tìm kiếm thị trường đất nền cuối năm phục hồi tốt, tỷ lệ gần bằng với giai đoạn tháng 5 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.

Một câu hỏi đặt ra, liệu số lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch tăng lên có khiến xảy ra sóng sốt đất cuối năm nay, đầu năm sau không? Để trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ một số thông tin qua tập hợp dữ liệu từ chính trang tìm kiếm thông tin này.

Cụ thể, so với năm 2020, sự quan tâm đối với phân khúc đất nền năm nay tăng 19%; Đà Nẵng tăng 9%, trong khi TPHCM giảm 8%.

Ông Quốc Anh cho biết, mức độ quan tâm tại các thị trường quanh khu vực Hà Nội tăng mạnh. Dòng tiền đang dịch chuyển tập trung ở Bắc theo góc nhìn của vị chuyên gia này.

So với năm trước, mức độ quan tâm đất nền tại thị trường Bắc Ninh tăng 41%, Hưng Yên tăng 45%, Hòa Bình tăng 53%, Thái Nguyên tăng 123%...

Đi kèm mức độ quan tâm, mặt bằng giá cũng có sự ảnh hưởng mạnh. Theo ông Quốc Anh, tốc độ tăng giá rao bán đất năm 2021 tăng đáng kể. Có những khu vực giá bán rao tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%...

Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Theo đánh giá của ông Quốc Anh, giá bất động sản năm 2021 đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch lớn…

Trong khi đó chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua, khả năng năm 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.

Cùng với đó là các yếu tố như Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh với hàng loạt dự án đầu tư công được thúc đẩy; pháp lý dự án đã và đang được tháo gỡ; tốc độ đô thị hóa gia tăng theo kế hoạch, từ 45% năm 2025 lên 50% năm 2030…

Chuyên gia nhấn mạnh, "sóng" bất động sản khó đứng yên, sẽ nhấp nhô nhưng biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau. Năm 2021 được đánh giá là biên độ tương đối lớn do quy hoạch, xuất hiện thông tin đồn thổi, thổi giá.

Tuy nhiên sang năm 2022, những vấn đề này kỳ vọng được kiểm soát tốt hơn. Trong khi đó các nhà đầu tư cũng ngày càng thông thái hơn…

Nhìn lại thị trường vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng các cơn sốt đất chủ yếu là do đầu cơ, thổi giá, gây tăng giá ảo. Mặc dù, không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn song tình trạng sốt đất ở thời điểm hiện tại phần lớn vẫn là do nhóm đầu cơ tác động.

Nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, nhóm đầu cơ đã "thổi giá" lên cao để chờ nhà đầu tư "sập bẫy". Kèm với đó, những thông tin quy hoạch luôn là "mồi lửa" giúp thị trường thu hút các nhà đầu tư, là nguyên nhân cốt lõi thay đổi mặt bằng giá.

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư lưu ý, khi thông tin chỉ "trên giấy" hay không xác thực thì chắc chắn những cơn sốt đất đó là sốt ảo, bong bóng bất động sản và sẽ nhanh chóng "hạ nhiệt". Những người dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ chịu hậu quả nặng nề...