Giá đất gần dự án sân bay Long Thành bị đẩy cao

Đầu tư sân bay Long Thành khiến Đồng Nai và các tỉnh lân cận tăng trưởng, phát triển các dự án đất nền, đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh.

Việc đầu tư Sân bay Long Thành tại Đồng Nai và TP.HCM đề xuất phát triển Thành phố Đông Sài Gòn cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP. HCM đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh Miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua.

Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây cho biết, tại các thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương như: Thuận An, Dĩ An đang có lợi thế giao thoa với TP.HCM và đang có tiềm lực phát triển kinh tế. Những địa điểm trên thực sự đã trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình Dự án nhà ở chung cư có giá phù hợp (loại sản phẩm mà TP. HCM hiện đang khan hiếm và tiêu thụ rất tốt).

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chính sự khan hiếm từ TP. HCM đã khiến giá căn hộ tại Bình Dương cũng đã bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp thời kỳ Covid 19. So với năm 2019, giá căn hộ bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí 37-38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%).

"Lượng giao dịch tuy không lớn, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 25%. Nhưng có thể nói, tiềm năng loại sản phẩm này là rất lớn, rất có khả năng phát triển mạnh trong năm 2021", ông Đính nhận định.

Tương tự như Bình Dương, tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp Đông TP. HCM và có sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh, đặc biệt là sự đầu tư sân bay Long Thành đã khiến Đồng Nai tăng trưởng phát triển các dự án đất nền. Đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh.

Giá đất gần dự án sân bay Long Thành bị đẩy cao - 1

Giá đất gần dự án sân bay Long Thành bị đẩy cao. (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Sau khi vấp phải các hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng do dịch bệnh, giá đất hiện tại đã giảm còn 15-18 triệu đồng/m2.

Cũng tiếp giáp TP.HCM và có lợi thế phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặc biệt lợi thế phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh này là một trong những địa phương đã phát triển mạnh các dự án bất động sản từ rất sớm.

Sau nhiều lần thăng trầm, hiện nay thị trường bất động sản tại địa phương này khá ổn định. Do được chính quyền địa phương quản lý hiệu quả nên giá đất đại hiện khá ổn định, đang duy trì ở mức bình quân 10 triệu đồng/m2.

Về câu chuyện tăng giá đất ở Long Thành và vùng ven hiện nay, các chuyên gia bất động sản nhận định, có thể nói đây là kết quả của hàng loạt động thái "bơm - thổi" của giới "cò" đất, tạo giao dịch ảo, khan hiếm giả để kích thích vào lòng tham của các nhà đầu tư.

Để đạt được mục đích, giới cò đất có thể tạo sóng bằng những tin đồn bắt đầu từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc dựa theo các dự án bất động sản lớn, mới quy hoạch. Sau khi sử dụng thông tin giả, tạo được tin đồn thì giới cò đất bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, hoặc tư vấn trực tiếp về xu hướng "đón đầu quy hoạch" nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Để quảng cáo cho khách hàng, giới "cò" đất đã vẽ ra những thông tin như, gộp Long Thành về TP.HCM, sẽ xây dựng khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42ha, KCN Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành để quảng cáo. Thế nhưng, UBND tỉnh Đồng Nai đã khẳng định, thông tin sáp nhập các huyện của tỉnh Đồng Nai trong đó có sân bay Long Thành vào TP.HCM là không có thực.

Giá đất nền ở nhiều khu vực đang bị đầu nậu "thổi giá" tăng cao bất thường so với giá trị thực tế của lô đất, dẫn đến nhiều rủi ro đang tiềm ẩn với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc sốt đất cũng dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý thị trường, quy hoạch, đền bù.