Đại biểu:
Giá đất bồi thường khi thu hồi đất luôn thấp hơn giá thị trường
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội phản ánh, trong nhiều năm qua, giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất luôn được phản ánh thấp hơn giá thị trường, khiến các dự án lớn gặp khó trong giải phóng mặt bằng.
Giá bồi thường thấp hơn giá thị trường
Thảo luận tại Quốc hội về đầu tư công và ngân sách giai đoạn 2021-2025 sáng 2/11, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn ĐBQH Khánh Hòa) cho biết trình tự, thủ tục đầu tư công cũng như quy định về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách, khoáng sản còn nhiều vướng mắc, trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn làm chậm giải phóng mặt bằng.
Ông Trí cho hay, theo quy định hiện hành, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể ở từng địa phương. Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.
Việc xác định giá đất cụ thể dựa vào điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Trước đó, Chính phủ đã cho phép cấp tỉnh ủy quyền cấp huyện quyết định giá đất cụ thể.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất luôn được phản ánh thấp hơn giá thị trường, khiến các dự án lớn gặp khó trong giải phóng mặt bằng.
Nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn ĐBQH TPHCM) cũng cho rằng, bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.
Tại Nghị quyết 29 năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư khỏi dự án chung. Bà Lệ đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai đề án và đánh giá hiệu quả thực hiện từ nay đến năm 2025.
Từ thực tiễn tại TPHCM, bà Lệ đề nghị địa phương, chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải dẫn đến nhiều dự án dở dang, phải làm thủ tục gia hạn gây lãng phí.
Quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến di dời hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn tư vấn sớm và thực hiện song song với bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bà Lệ kiến nghị Quốc hội đề nghị, Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.
"Bố trí tái định cư là bố trí cuộc sống mới cho người dân nên cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để có cuộc sống mới tốt hơn", bà Lệ nói.
Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn ĐBQH Nghệ An) cũng cho rằng, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu còn nhiều bất cập trong các dự án đầu tư công.
Vị đại biểu này đề nghị Quốc hội thí điểm tách bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.