Du học sinh ở Nhật và những "cú sốc" văn hóa để đời
(Dân trí) - Những quan điểm thú vị này chỉ là một phần nhỏ của đời sống văn hóa Nhật Bản. Khi sống đủ lâu để thấm nhuần nền văn hóa này, bạn sẽ thấy nó không còn là "cú sốc" nữa.
Không chỉ nổi tiếng với sự phát triển về mặt kinh tế hay công nghệ hiện đại mà Nhật Bản còn được biết đến nhờ hệ thống giáo dục xếp hàng top trên thế giới. Chính vì vậy nên Nhật Bản luôn là môi trường lý tưởng của cả học sinh trong nước và nước ngoài.
Sốc văn hóa là giai đoạn mà đa số các du học sinh, tu nghiệp sinh tại Nhật Bản thường gặp phải. Dưới đây là ý kiến khảo sát của sáu bạn sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau hiện đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng Nhật Bản về những cú sốc văn hóa rất riêng của họ khi mới bước chân đến xứ sở hoa anh đào.
"Họ mặc định cứ không phải người Nhật thì nói tiếng Anh"
Người được khảo sát đầu tiên là một du học sinh nam người Mỹ, 20 tuổi. Anh nói rằng mình rất thích nước Nhật và đã quyết định đến du học ở đây sau một chuyến du lịch.
"Những nhân viên cửa hàng ở Nhật Bản có xu hướng bắt buộc nói tiếng Anh khi nhìn thấy bất cứ ai đó không phải là người Nhật. Tuy nhiên, nếu bạn không thể nói tiếng Anh, hãy thử nói tiếng Nhật trước, đừng ép buộc bản thân" - anh cho biết.
Chính điều đó đã khiến du học sinh này gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Như một lần khi đến một nhà hàng, nhân viên ở đó đã nói bằng tiếng Anh, thay vì "vui lòng đợi trong giây lát", thì anh ta đã nói "vui lòng quay lại" khiến anh bối rối mất vài giây.
Một điều khác mà anh ấy nhận thấy là những nhân viên cố gắng giao tiếp bằng tiếng Anh bằng một thái độ không được tốt cho lắm, họ thường không cười và tỏ ra khá khó chịu. Thay vào đó, hãy thử nói tiếng bản địa trước, không phải người ngoại quốc nào ở Nhật cũng chỉ hiểu tiếng Anh.
Không gian dành cho người hút thuốc không được phân tách triệt để
"Tôi thực sự không thích việc không gian dành cho người không hút thuốc và hút thuốc không được tách biệt đúng cách. Đặc biệt trong những nhà hàng thức ăn nhanh, quán café…" - một nữ sinh đến từ Hàn Quốc nói.
Ở Nhật, các nhà hàng thức ăn nhanh thường có khu vực cấm hút thuốc ở tầng 2 và khu vực dành cho người hút thuốc ở tầng 3. Tuy nhiên, cô khá thất vọng khi thấy nhiều người thản nhiên châm thuốc ở tầng một, khu vực cửa vào và quầy thu ngân. Ngay cả các quán café và nhà hàng gia đình đôi khi cũng không có vách ngăn phù hợp để cách ly khu vực hút thuốc, khiến khói bay khắp nơi.
Nữ du học sinh nói rằng, rất nhiều nhà hàng ở Hàn Quốc cấm hút thuốc. Hơn 50 quốc gia cũng đã cấm hoàn toàn việc hút thuốc trong nhà ở những nơi công cộng. Mặc dù Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh vấn đề này với việc tàu cao tốc và máy bay không còn ghế dành cho người hút thuốc nữa. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Nhật Bản dường như vẫn bị tụt lại phía sau.
Điện thoại thông minh Nhật Bản khá bất tiện
Đó là ý kiến của một nữ sinh viên đến từ Trung Quốc. "Ở Trung Quốc, chúng tôi thực hiện hầu hết khoản thanh toán qua điện thoại di động. Tuy nhiên, ở Nhật Bản không có nhiều cửa hàng tích hợp hình thức thanh toán này, và tôi thường phải mang theo cả ví và điện thoại".
Cô nói rằng, người Trung Quốc thường sử dụng Alipay, một ứng dụng thanh toán do Tập đoàn Alibaba phát triển và nó đang nhanh chóng lan rộng. Nó không chỉ xử lý tất cả các nhu cầu mua sắm trực tuyến mà còn cho phép bạn thanh toán đơn giản bằng cách quét mã QR. "Chúng tôi có thể tự tin ra khỏi nhà mà không cần mang ví" - nữ du học sinh nói.
Chìa khóa nhà thật bất tiện
"Thật khó chịu khi luôn mang theo chìa khóa khi đi ra ngoài. Tôi thường quên hoặc làm rơi nó. Ai mà biết được chứ" - một sinh viên Hàn Quốc nói.
Du học sinh này cho biết rằng hầu hết các ngôi nhà ở Hàn Quốc đều có cơ chế khóa điện tử được mở thông qua mã bảo mật: "Bạn cũng không cần lo lắng rằng nhỡ ai đó biết hoặc tìm ra mật mã vì ngoài ra còn có xác thực bằng vân tay nữa. Nó tiện lợi an toàn hơn nhiều so với khóa truyền thống".
Ở Nhật Bản cũng có khóa điện tử như vậy, nhưng chúng thường được lắp ở các không gian chung như nhà kho hay két sắt của công ty.
Không có máy sấy quần áo là một ác mộng
Người cuối cùng tham gia khảo sát là một nam sinh viên Mỹ. Anh nói rằng, tất cả các hộ gia đình hay trường học, bệnh viện... ở Mỹ đều có máy sấy quần áo riêng, nhưng ký túc xá đại học ở Nhật Bản thì không. Điều đó rất bất tiện.
"Tôi giặt quần áo vào sáng nay và định treo nó lên cho khô. Nhưng người tính không bằng trời tính, trời bắt đầu mưa và cuối cùng tôi phải để nó trong máy giặt. Có lẽ nó đang bốc mùi rồi. Thật là một ác mộng" - anh nói.
Ở một số quốc gia như Áo, Canada hay Mỹ, dường như có một quy tắc bất thành văn là không được treo đồ giặt bên ngoài để không làm hỏng cảnh quan. Đó chính là lý do họ bắt buộc phải có máy sấy. Người Nhật Bản thì thích quần áo khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời hơn, nó có một mùi thơm dễ chịu.
Dù bạn là người Nhật hay người nước ngoài thì văn hóa Nhật Bản vẫn vô cùng hấp dẫn để khám phá. Những quan điểm thú vị trên kia cũng chỉ là một phần nhỏ, khi sống đủ lâu để thấm nhuần nền văn hóa này, bạn sẽ cảm thấy nó không còn là "cú sốc" nữa.