Dự án qua 5 “đời” chủ tịch vẫn tắc, doanh nghiệp than làm địa ốc khổ nhất

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đang nhiều khó khăn nhất. Có dự án, doanh nghiệp "theo đuổi" 12 năm vẫn chưa triển khai được.

Dự án qua 5 “đời” chủ tịch vẫn tắc, doanh nghiệp than làm địa ốc khổ nhất - 1

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội nghị để lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020. 

Ngày 18/2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức buổi tổng hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc, sau đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Qua hội nghị, nhiều khó khăn, vướng mắc lớn trong lĩnh vực bất động sản được đề cập tới. Trong đó, nổi lên một số nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là thủ tục hành chính; các vấn đề pháp lý, vốn, lãi suất cho vay...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, trong số các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản nhiều khó khăn nhất.

Lý giải vì sao lại có nhận định như vậy, ông Hiệp nói: Doanh nghiệp địa ốc đang bị chi phối bởi 10 loại luật. Các doanh nghiệp như trong “ma trận”, nhiều trường hợp đúng luật này nhưng luật khác lại không đúng.

Về giải pháp, ông Hiệp cho rằng, cách tốt nhất vẫn là sửa luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TP.HCM với việc đình trệ hàng loạt dự án thì vướng mắc nằm ở Luật Đất đai.

“Nếu như được kiến nghị thì tôi kiến nghị sửa Luật Đất đai đầu tiên. Nếu còn duy trì nhiều quy định cản trở thì doanh nghiệp còn khó khăn", ông Hiệp nêu vấn đề.

Lấy dẫn chứng từ chính hoạt động doanh nghiệp mình, ông Hiệp cho biết: Một dự án của GP.Invest được cấp giấy chứng nhận từ tháng 4/2018. Khi quy trình hoàn tất, đến phần bàn giao đất thì cán bộ lại “kêu" mâu thuẫn Luật đất đai, giải pháp đưa ra là bỏ hoặc làm lại từ đầu.

Ông Hiệp cho biết, bản thân doanh nghiệp rất khổ sở khi dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành rồi cuối cùng vẫn không xong. “Đó là sự trường kỳ gian khổ, không ai thấu hiểu”, ông Hiệp than.

Đáng lưu ý theo vị này, Luật đất đai hiện quy định phải GPMB xong mới có quyết định giao đất. Quy định này theo ông Hiệp, rất tôn trọng người làm chủ sử dụng đất nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

“Bởi theo quy định, dự án phải đảm bảo giá trị kinh tế xã hội lớn mới có chính quyền vào cuộc nhưng những dự án mà chúng tôi làm, dù cũng đóng góp cho sự phát triển xã hội nhưng không được coi là có giá trị kinh tế xã hội lớn nên chính quyền đứng ngoài cuộc GPMB”, ông Hiệp cho biết.

Theo lãnh đạo GP.Invest, có dự án ở Việt Trì, doanh nghiệp theo đuổi 12 năm, phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch địa phương mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Bởi một số hộ đến nay vẫn chưa thống nhất về giá đền bù. Trong khi đó, hệ số đền bù thì mỗi tỉnh một kiểu.

“Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Có mặt tại cuộc làm việc, một doanh nghiệp địa ốc khác - bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC cũng cho biết, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

"Về pháp lý, có luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương", bà Dung cho biết.

Doanh nghiệp cho rằng, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó làm doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội đầu tư.

Về nguồn vốn, doanh nghiệp cũng cho rằng cần thêm các gói hỗ trợ và các chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong quá trình ban hành luật, nghị định văn bản không thể tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Do đó, trong quá trình thực tiễn triển khai dự án doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc cần tháo gỡ.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và lắng nghe khó khăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Việc của VNREA và các doanh nghiệp hiện nay là thống nhất xem cần kiến nghị điều gì ngay và gấp để thị trường được thông thoáng, doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Ông Phúc cho biết, có hai vấn đề cần quan tâm hiện nay, thứ nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong các bộ luật. Thứ hai là vướng mắc về nguồn vốn và các vấn đề khác thì doanh nghiệp cần giải trình, nghiên cứu và kiến nghị thật cụ thể.

Thế Hưng - Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm