Doanh nghiệp bất động sản đi vay hàng nghìn tỷ đồng trong tháng đầu năm
(Dân trí) - Trong tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể phát hành lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trên thị trường.
Theo thông tin cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI đến thời điểm hiện tại, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng.
Trong đó riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành.
Hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản chỉ do 7 công ty phát hành. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.
Nổi bật vào những ngày đầu năm, Công ty cổ phần Phát triển Golf Thiên Đường đã nhanh tay phát hành 2.681 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn lên tới 10 năm và lãi suất phát hành bình quân là 11,5%.
Trong nhóm các doanh nghiệp địa ốc vay vốn qua trái phiếu đợt này, lãi suất cao nhất thuộc về trái phiếu của Công ty cổ phần City Garden (1.598 tỷ đồng) là 13,3%.
Như vậy, trong tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã áp đảo khi là chủ thể phát hành lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trên thị trường trong khi nhóm ngân hàng chỉ chiếm 2,1%, nhóm doanh nghiệp năng lượng khoáng sản và phát triển hạ tầng chiếm lần lượt 2,7% và 1,9% tổng lượng trái phiếu.
Cùng với đó, về phía bên mua, nhà đầu tư cá nhân mua 2.354 tỷ đồng trái phiếu trong đó ngoại từ 240 tỷ trái phiếu của MBS, 255 tỷ đồng trái phiếu của TPB, phần còn lại đều là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.
Trước đó cũng theo thống kê của SSI, tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 là 106.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng.
Nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó các ngân hàng thương mại mua 19,1 nghìn tỷ đồng, các công ty chứng khoán mua 4.4 nghìn tỷ đồng, tổ chức nước ngoài mua 1.66 nghìn tỷ đồng các trái phiếu của KDH, PDR, DXG. Còn lại được ghi chung chung dưới tên là “tổ chức trong nước” hoặc thiếu thông tin cụ thể.
Chuyên gia phân tích cũng đánh giá, NHNN đang định hướng giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại thông tư 22/2019/TT-NHNN nên kênh trái phiếu tất yếu sẽ được các doanh nghiệp bất động sản tìm đến. Trái phiếu bất động sản thời gian tới sẽ vẫn nở rộ vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao.
Tuy vậy, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên cần sự tăng cường giám sát từ các cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Nguyễn Mạnh