Dự án nghìn tỷ ở Hà Nội: Chủ đầu tư dính lao lý, dân ngóng nhà suốt thập kỷ

(Dân trí) - Dự án 409 Lĩnh Nam: Cả thập kỷ vẫn là bãi cỏ hoang, dân mòn mỏi ngóng nhà; Cơn lốc phân lô bán nền: Đất đô thị bỏ hoang, dân khốn khổ... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Dự án nghìn tỷ ở Hà Nội: Chủ đầu tư dính lao lý, dân ngóng nhà suốt thập kỷ - 1

Dự án 409 Lĩnh Nam: Cả thập kỷ vẫn là bãi cỏ hoang, um tùm, khách hàng mong nhà suốt thập kỷ.

Dự án 409 Lĩnh Nam: Cả thập kỷ vẫn là bãi cỏ hoang, dân mòn mỏi ngóng nhà

Phản ánh tới PV Dân trí, bà Hoàng Thị Nga - thành viên trong Ban đại diện khách hàng mua nhà tại dự án 409 Lĩnh Nam (một dự án bất động sản với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng) cho biết, từ năm 2009, bà cùng với hơn 1.000 khách hàng khác đã góp vốn để được mua nhà tại dự án do Công ty TNHH Kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư.

Theo đó, mỗi khách hàng góp khoảng 30% giá trị mỗi căn hộ, tương đương khoảng 500 triệu đồng. Điều đáng tiếc, dù đã trải qua tới hơn thập kỷ, khách hàng vẫn trong tình cảnh éo le khi dự án vẫn là bãi cỏ hoang.

Bà Nga cho rằng, dự án đang ở thế “kẹt” khi chủ đầu tư cũ thì vướng vòng lao lý, còn chủ mới dài cổ chờ thủ tục. “Năm 2013, ông Nguyễn Hoàng Long – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hưng bất ngờ bị bắt giữ và khởi tố vì có liên quan đến một vụ án khác và lĩnh án tù giam. Từ đó, dự án bị bỏ hoang, dang dở với bãi cỏ mọc um tùm cho đến nay”, bà Nga nói.

Nhà liền thổ tăng gần 15% bất chấp mọi khó khăn

Trong báo cáo mới nhất về thị trường nhà liền thổ tại TP.HCM, JLL cho rằng đợt sóng Covid-19 thứ hai diễn ra ngắn ngủi và dường như không ảnh hưởng đến tâm lý thích sở hữu nhà liền thổ của người Việt.

Ngoài ra, dịch bệnh xét về một mặt nào đó cũng là cơ hội để thị trường loại ra những nhà đầu cơ ngắn hạn có vốn hạn chế. Trên toàn thị trường, những dự án có mức giá dưới USD 450.000 một căn tiếp tục được cả người mua để ở và những nhà đầu tư dài hạn săn đón.

Dự án nghìn tỷ ở Hà Nội: Chủ đầu tư dính lao lý, dân ngóng nhà suốt thập kỷ - 2

Giá bất động sản tiếp tục tăng.

Theo số liệu của JLL, giá sơ cấp tiếp tục tăng lên USD 5.337/m2 trong quý 3/2020, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 3,1% so với quý trước.

Cơn lốc phân lô bán nền: Đất đô thị bỏ hoang, dân khốn khổ

Dọc dải đất ven biển miền Trung, từ trên cao nhìn xuống như một tấm phên cũ loang lổ, chỗ này một mảng, chỗ kia một mảng. Đó là những dự án đất nền của các khu đô thị mới hoặc đã hoàn thành nhưng chưa xây dựng nhà ở, hoặc đang thi công dang dở rồi để ngổn ngang từ ngày này qua tháng khác.

Dự án nghìn tỷ ở Hà Nội: Chủ đầu tư dính lao lý, dân ngóng nhà suốt thập kỷ - 3
Hạ tầng Khu Công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc nhếch nhác cả chục năm nay.

Khu đô thị 1A thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn là dự án đất nền đầu tiên được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 507 làm chủ đầu tư. Sau hơn 17 năm đưa vào sử dụng, chỉ có những hộ tái định cư tại chỗ làm nhà ở. Hầu hết diện tích đất nền ở đây được người nơi khác đến mua rồi để đó, hoặc mua đi bán lại kiếm lời.

Trái ngược với những thông tin được rao bán trên mạng là có hạ tầng đồng bộ, có nhiều công trình mới mọc lên khang trang... những ai đã làm nhà ở trên đất của dự án mới thấy ngán ngẩm với cảnh nhếch nhác của 1 khu đô thị nửa phố nửa quê. Những phần đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả bò. Hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, điện chiếu sáng chỗ có chỗ không, cống rãnh thoát nước không được kết nối với các khu đô thị khác nên cứ đến mùa mưa là nước ngập đường. Những họng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối tràn vào nhà dân.

Khách sạn cao cấp vắng khách, giảm giá vẫn khó cứu vãn

Trong báo cáo vừa phát hành, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương - cho biết: “Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số.

Việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng bảy đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường”.

Theo thống kê của Savills, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó TP.HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%.

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. “Điều này gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn”, chuyên gia Savills nhận định.