Doanh nghiệp xây dựng khó đủ bề, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng cách gỡ

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, có loại đột biến

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp ngành này do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo báo cáo, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào.

Cụ thể giá thép xây dựng tăng 30-40% (mức tăng này theo Bộ Xây dựng được xem là không theo quy luật thông thường); giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%...

Doanh nghiệp xây dựng khó đủ bề, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng cách gỡ - 1

Giá thép xây dựng tăng 30-40%, mức tăng này theo Bộ Xây dựng được xem là không theo quy luật thông thường (Ảnh: Reuters).

Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.

Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Bộ Xây dựng cho biết hiện đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn vì dừng thi công, đứt gãy nguồn cung ứng

Cũng theo Bộ Xây dựng, tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, việc cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị không phải là các dịch vụ thiết yếu không thể vận chuyển đến công trường.

Việc thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng được huy động từ nhiều địa phương khác nhau.

Vì vậy, theo Bộ Xây dựng, một số lượng lớn công nhân do tình hình dịch bệnh đã di chuyển về quê, nhất là lao động tự do, nên không đủ nguồn nhân lực cho công trường; việc huy động nhân công để tiếp tục thi công sẽ mất nhiều thời gian, chi phí gây độ trễ.

Chưa kể nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại một số công trình được phép thi công rất cao, khó kiểm soát do số lượng lớn nhân công xây dựng đa phần là lao động thời vụ.

Chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, cũng như những chi phí phát sinh khác (như việc dừng thi công xây dựng làm phát sinh chi phí; bổ sung các chi phí cho công tác phòng, chống dịch…). Thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ, hiệu quả của dự án.

Trong đó, đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, đối với việc xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công còn vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện.

Những tác động trên theo Bộ Xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn Nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do Bộ trưởng trực tiếp làm tổ trưởng và một Thứ trưởng là tổ phó thường trực, thành viên tham gia là lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Ngay trong tháng 10 vừa qua, Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam đã được Bộ Xây dựng tổ chức.

Hội nghị nhằm rà soát tình hình tại các khu vực phía Nam, nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, qua đó kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.