Doanh nghiệp tính chuyện tăng giá nhà do thép phi mã

Trước tình hình giá thép tăng cao, các doanh nghiệp địa ốc đang tính đến việc tăng giá bán nhà ở. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp.

Doanh nghiệp tính chuyện tăng giá nhà do thép phi mã - 1

Giá thép tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc, buộc họ phải tính đến phương án tăng giá sản phẩm. Trong ảnh: Dự án Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) của Công ty TNHH Lê Thành (Ảnh: Trọng Tín).

Người mua nhà "gánh" giá thép tăng

Khi chi phí xây dựng tăng lên do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết, họ đang cân nhắc việc điều chỉnh giá bán bất động sản.

Theo chia sẻ của những doanh nghiệp này, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng cao đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận, buộc doanh nghiệp phải tính đến việc điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Giá thép trên thị trường hiện ở mức 18.700 - 18.800 đồng/kg, tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm và tăng gần gấp rưỡi so với quý III/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng, trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu.

Đánh giá về việc tăng giá vật liệu ảnh hưởng đến giá bán bất động sản thương mại, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc SeaHoldings cho biết, với các dự án đang triển khai, việc chủ đầu tư đã xác định suất đầu tư, giá bán…, thì việc tăng giá vật liệu đã ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tất nhiên, SeaHoldings đã có những kế hoạch chủ động trước về tình hình này, nên vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công theo đúng cam kết với khách hàng. Dù vậy, khi diễn biến thị trường vật liệu tăng giá đột ngột, các chủ đầu tư có 2 trường hợp cần phải cân nhắc.

Thứ nhất, đối với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, thì chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Những dự án mới bán khoảng 50% thì lượng sản phẩm còn lại sẽ được điều chỉnh giá để bù lại khoản chi phí mà chủ đầu tư đã phải chịu thiệt trước đó.

Thứ hai, với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ không còn thời gian để điều chỉnh giá bán với khách hàng, phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận. "Bản thân các chủ đầu tư không thể cắt giảm chi phí xây dựng để đảm bảo lợi nhuận, bởi ảnh hưởng đến chất lượng công trình", ông Phương nói.

Tương tự, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết, giá thép tăng thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp địa ốc. Với Phú Đông Group, các hợp đồng xây dựng đã ký đang phải thương lượng lại giá với chủ đầu tư, nếu không thì phải chỉnh tiến độ thi công để giá thép ổn định mới làm tiếp được.

Doanh nghiệp nên chia sẻ với nhà thầu

Về ảnh hưởng của việc tăng giá thép với các nhà thầu xây dựng, đại diện một nhà thầu xây dựng đang có 3 dự án thi công chung cư, nhà liền kề ở tỉnh Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 900 tỷ đồng cho biết, khi thép tăng kỷ lục, vượt ngoài mọi dự báo, nhà thầu này đã chịu thiệt hại khoảng 8% tổng giá trị hợp đồng và mất toàn bộ lãi thi công các công trình.

"Giá thép tăng đột biến, vượt quá chi phí dự phòng và ảnh hưởng đến vùng giá họ đưa ra thị trường. Bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo lợi ích giữa họ và nhà thầu để giúp sản phẩm đưa ra thị trường đúng theo tiến độ đã cam kết với người mua. Nếu giá cả cứ tăng tiếp, người mua sẽ là người cuối cùng phải chịu", vị này nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành, cho rằng, nếu thép tăng giá trong giai đoạn ngắn, thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả khi họ bị hợp đồng "cột chặt" từ trước, nhưng giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là, chủ đầu tư dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ.

Còn theo ông Ngô Quang Phúc, thông thường, khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3%, thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều 50 - 50, hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất.

Phú Đông Group vừa là đơn vị phát triển dự án, vừa là đơn vị xây dựng thi công công trình, nên ông Phúc hiểu rõ, nếu dự án đã bán cho khách hàng bỗng gặp phải sự thay đổi về giá nguyên vật liệu đầu vào trong quá trình xây dựng, thì doanh nghiệp này bắt buộc phải chấp nhận giảm lợi nhuận.

Hiện nay, giá xây dựng nhà phố xây thô ở các dự án của Phú Đông là khoảng 3,5 triệu đồng/m2, chung cư là 7,5 - 9,5 triệu đồng/m2, tùy cấp công trình. Trong đó, chi phí thép chiếm khoảng 20% giá trị xây dựng công trình... Nếu giá thép tăng 20%, thì tổng giá trị công trình tăng 4%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá thép được điều chỉnh, thì chủ đầu tư cũng sẽ điều chỉnh lại giá bán cho phù hợp.