Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm ăn tốt, riêng Vicem lỗ hơn 1.400 tỷ đồng

Dương Tâm

(Dân trí) - Tổng kết kinh doanh năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đều ghi nhận lợi nhuận. Riêng Vicem lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi

Trong báo cáo tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Bộ Xây dựng cho biết, về tình hình kinh doanh sản xuất của các công ty thuộc Bộ Xây dựng, ghi nhận tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt hơn 54.500 tỷ đồng, bằng hơn 95% kế hoạch năm nay. Doanh thu ước đạt trên 52.200 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận ước lãi 652 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra (lỗ 4,43 tỷ đồng).

Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm ăn tốt, riêng Vicem lỗ hơn 1.400 tỷ đồng - 1

Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi (Ảnh: Viglacera).

Tổng Công ty Viglacera dẫn đầu với mức lợi nhuận ước đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Viglacera đóng góp 1.400 tỷ đồng. Tổng Công ty HUD có lợi nhuận ước tính 386 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt 312 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hancorp đạt lợi nhuận 84 tỷ đồng, với công ty mẹ đóng góp 68 tỷ đồng. Tổng Công ty Lilama lãi 70 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đóng góp 90 tỷ đồng. Tổng Công ty Coma lãi hơn 14 tỷ đồng, với công ty mẹ đạt gần 17 tỷ đồng.

Điểm chung ở những doanh nghiệp trên đều ghi nhận lợi nhuận vượt xa kế hoạch năm.

Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lỗ tới 1.402 tỷ đồng, mặc dù đã giảm lỗ 177,5 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu nhưng đây vẫn là năm thứ hai liên tiếp Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ (năm 2023 lỗ hơn 1.100 tỷ đồng). Công ty mẹ Vicem lỗ gần 237 tỷ đồng trong năm 2024.

Thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã có phản ứng tích cực.

Lượng giao dịch đối với căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ. Đồng thời, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà và đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.

Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm ăn tốt, riêng Vicem lỗ hơn 1.400 tỷ đồng - 2

Giá chung cư tại Hà Nội đã liên tục tăng trong năm nay (Ảnh: Dương Tâm).

Tuy nhiên, thị trường vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực. Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tâm lý sợ sai, trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh giải quyết chậm tại một số địa phương.

Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.

Tính đến hết quý III đã hoàn thành 50 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với 13.700 căn, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2023; 76 dự án được cấp phép mới (38.700 căn), bằng gần 109% so với cùng kỳ; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai 192 dự án với hơn 59.000 căn, bằng 102% cùng kỳ năm 2023.

Về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, hoàn thành 59 dự án khoảng 5.500 lô/nền, bằng 63% so với năm 2023; dự án cấp phép mới 71 dự án, bằng 83% so với cùng kỳ.

Giá giao dịch bất động sản trong thời gian qua tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của đại đa số người dân, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng cả dự án cũ và mới, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 25% theo năm, một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40%, tùy từng vị trí so với quý II.

Tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ khoảng 137.400 căn, bằng 102% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.900 lô, bằng 138% so với cùng kỳ.