Khảo sát của VCCI:
Doanh nghiệp dừng, ngừng kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai
(Dân trí) - Phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến đối với các doanh nghiệp.
Tiếp cận đất đai là điểm nghẽn lớn
Trong báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tiếp cận đất đai tiếp tục là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bản chất liên ngành và liên cấp của lĩnh vực quản lý đất đai khiến đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất. Trong báo cáo PCI 2021, VCCI từng nhận định rằng việc quản lý đất đai ở các tỉnh, thành phố dường như không có chuyển biến đáng kể trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021. Kết quả khảo sát cho thấy các chỉ tiêu đo lường khía cạnh tiếp cận đất đai nhìn chung chưa có cải thiện đáng kể.
42,9% doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh
Nhìn chung, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến. Khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022.
Dù kết quả này là tích cực hơn so với năm 2021 (53,8%) song tác động tiêu cực cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực thủ tục quan trọng khác như đăng ký kinh doanh (3,6% doanh nghiệp bị trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh), sửa đổi nội dung đăng ký kinh doanh (3,4%) và cấp phép kinh doanh có điều kiện (11,7%).
Qua khảo sát, VCCI cho biết thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất với tỷ lệ 60,81% người trả lời.
Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%), và giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (14,73%).
Những con số trên cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận đất đai. Đất đai thường là một loại tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tiếp cận tín dụng.
Do đó, việc doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa với việc có khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ hơn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngược lại, nếu tình trạng doanh nghiệp gặp trở ngại với tiếp cận đất đai như hiện nay còn tiếp diễn thì sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.
Đơn vị công bố báo cáo lưu ý các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương cần tăng cường các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công về đất đai. Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.