Doanh nghiệp bất động sản không cần hỗ trợ tiền, chỉ mong cơ chế để bật dậy

Việt Đức

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản đủ khả năng để tự phục hồi sau đại dịch, nhưng phải được các cơ quan chức năng quyết liệt tháo gỡ ách tắc về pháp lý.

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/10, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định thị trường có khả năng tự phục hồi sau đại dịch. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần được tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như lò xo bị nén chặt.

Theo ông Châu, một trong những vướng mắc lớn về pháp lý với các dự án bất động sản là câu chuyện đất công xen cài. Vấn đề này đã phần nào được tháo gỡ thông qua các quy định từ cấp Trung ương ban hành cuối năm 2020. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện trong thực tế tại các địa phương còn chậm. 

Chủ tịch HoREA nhấn mạnh khi hồ sơ dự án bị ách tắc, nguồn cung dự án, sản phẩm trên thị trường sẽ sụt giảm. "Giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu, vừa do thể chế và thực thi pháp luật", ông Châu chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, kiến nghị trong chương trình phục hồi kinh tế trung hạn, thị trường bất động sản phục hồi sẽ là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của kinh tế TPHCM.

Theo TS Lịch, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh. Dẫn lại thông tin của HoREA TPHCM có tới hơn 100 dự án bất động sản tồn đọng, cần được gỡ khó, ông Lịch cho rằng điểm khó là mỗi dự án lại có điểm vướng khác nhau, cần hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh dù khó khăn cũng phải quyết liệt tháo gỡ vì đây là bước khởi động đầu tiên để thị trường phục hồi.

Doanh nghiệp bất động sản không cần hỗ trợ tiền, chỉ mong cơ chế để bật dậy - 1

TS Trần Du Lịch cho rằng bất động sản là một trong những lĩnh vực có thể dẫn dắt sự phục hồi của kinh tế (Ảnh: HMC).

TS Cấn Văn Lực cũng đồng quan điểm với các chuyên gia khác về câu chuyện thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tinh giản một phần nhưng vẫn là vấn đề phức tạp nhất. Theo ông Lực, còn rất nhiều dư địa để cải thiện về thủ tục hành chính.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh, cũng cảm thán doanh nghiệp bất động sản hiện rất vướng về thủ tục pháp lý. Mong mỏi lớn nhất của bà là các địa phương làm đúng theo khung pháp luật đã định, doanh nghiệp tránh lãng phí mất thời gian đi lại vì thủ tục. 

"Doanh nghiệp quá khó khăn rồi, mong muốn có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ ngành để chúng tôi bớt áp lực, bớt chi phí. Nếu không xử lý được vấn đề, doanh nghiệp không thể phát triển được, mất uy tín, người dân cũng chịu thiệt do chậm được cấp sổ", bà Oanh nêu ý kiến.

Tham dự hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết cơ quan này đang tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không để tồn đọng.

Để giải quyết mong muốn lớn nhất của người dân là được cấp sổ hồng khi mua nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã cấp hơn 13.000 sổ hồng trong 10 tháng đầu năm. Sở sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ để giải quyết vấn đề ách tắc trong việc cấp sổ hồng cho người dân mua nhà tại các dự án căn hộ.