Đô thị ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng kém, yếu, thiếu bền vững

An Linh

(Dân trí) - TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban kinh tế Trung ương cho rằng, số lượng đô thị ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng đô thị còn kém, khả năng chống chọi yếu, thiếu bền vững.

Tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở và thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vừa diễn ra ở TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế trung ương đưa ra bức tranh đô thị Việt và những thách thức để phát triển bền vững, xanh, sạch.

Đô thị ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng kém, yếu, thiếu bền vững - 1

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng đề ra.

"Hiện không gian đô thị được mở rộng, tốc độ tăng trưởng và số lượng đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020. Kinh tế đô thị đang được xem là một trong ba "trụ cột" tăng trưởng kinh tế quốc dân, đóng góp gần 70% GDP của cả nước", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Tuy nhiên, ông thừa nhận: "Đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển theo chiều rộng, nguy cơ mất cân đối giữa đô thị hóa và phát triển nông thôn, giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên.... ngày càng lớn".

Đặc biệt, theo ông, chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp, trong đó sự phân biệt đối xử và phúc lợi xã hội giữa người di cư, nhập cư với dân cư thành thị còn nhiều.

Theo ông Hiển, hệ thống đô thị phát triển với mật độ thấp, manh mún, nhiều nơi còn mang tính tự phát; tác động lan tỏa và liên kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng khác còn yếu.

Đô thị ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng kém, yếu, thiếu bền vững - 2

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém

Ông Hiển cho rằng, số lượng đô thị ở Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng đô thị còn kém, khả năng chống chọi yếu, thiếu bền vững. Điều dễ nhận thấy là chất lượng đô thị chưa cao, nhiều nơi thiếu và quá tải các dịch vụ xã hội, thiếu công viên, cây xanh, các điểm vui chơi, giải trí.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc phát triển bất động sản có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện.

"Chính sách phát triển thị trường bất động sản cũng còn tồn tại nhiều hạn chế; vai trò của Nhà nước trong kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản thông qua thị trường quyền sử dụng đất sơ cấp chưa thực sự hiệu quả", ông Hiển nói.

Theo dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Ông Hiển cho rằng, với tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030 đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.

Tại hội nghị, Phó Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các chuyên gia phân tích thực trạng cơ chế, chính sách tác động đến thị trường bất động sản cùng với kết quả phát triển thị trường bất động sản trong thời gian qua.

"Trước mắt chúng ta cần nhận thức được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Sau đó là đưa ra những bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản, nhà ở hiện nay để có cách thức ứng phó kịp thời", ông Hiển nêu.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần nhận diện những thách thức, khó khăn của thị trường theo từng loại bất động sản và nhà ở, nhất là những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, thuế và các chính sách và đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia trong lĩnh vực thị trường bất động sản và nhà ở...