1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Đọ đòn bẩy tài chính giữa Vinhomes, Novaland và loạt đại gia bất động sản

Mộc An

(Dân trí) - Tại thời điểm cuối năm 2022, Novaland, Vingroup, Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa là những doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức cao từ 2,62 đến 4,73 lần.

Trong phân tích sức khỏe của một doanh nghiệp, hệ số D/E là một trong những chỉ số tài chính quan trọng cần xem xét. D/E là viết tắt của cụm từ Debt to Equity ratio (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu).

Hệ số này sẽ lấy mốc 1 làm tiêu chuẩn để so sánh. D/E nhỏ hơn 1 cho thấy tỷ lệ nợ đang thấp hơn vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp vẫn đang quản lý tốt các khoản nợ của mình. Khi hệ số D/E lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang có nợ nhiều hơn vốn chủ sở hữu. Về nguyên lý kế toán tài chính, nhà đầu tư cần cân nhắc khi thấy doanh nghiệp có tỷ lệ này lớn hơn 1.

Nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ. Đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, khi xem xét tỷ số này cần so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như việc biến động theo thời gian bởi D/E có giá trị tại một thời điểm.

Theo tính toán của Dân trí với 20 công ty bất động sản lớn trên thị trường tại thời điểm 31/12/2022, phần lớn các doanh nghiệp này đều duy trì tỷ lệ D/E lớn hơn 1.

Cá biệt, có những công ty giữ mức khá cao như: Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) là 4,73 lần (tăng 23%), Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) là 4,18 lần (giảm 5%), Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) là 3,24 lần (tăng 92%), Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (mã chứng khoán: SSH), Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (mã chứng khoán: TID) là 2,62 lần.

Công ty có tỷ lệ D/E thấp nhất là Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) với mức 0,28 lần, tiếp theo là Công ty cổ phần Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) là 0,39 lần.

Những doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Novaland, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đều gia tăng đòn bẩy so với thời điểm cuối năm 2021.

Việc D/E tăng cũng không khó hiểu khi nợ phải trả của nhóm này tăng mạnh trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm. Ví dụ Vinhomes nợ phải trả cuối năm 2022 ở mức 212.800 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước đó trong khi vốn chủ sở hữu đạt 148.404 tỷ đồng, tăng nhẹ 13%.

Có quy mô nợ phải trả tương đương Vinhomes nhưng do vốn chủ sở hữu ở mức 44.930 tỷ đồng nên hệ số D/E của Novaland cao gấp 3,3 lần Vinhomes.

Trung vị về D/E của nhóm bất động sản này tăng nhẹ từ mốc 1,36 lên 1,45 lần. Điều này cho thấy áp lực trả nợ tăng nhẹ hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem xét từ năm 2019 đến nay, Novaland là đơn vị liên tục gia tăng về tỷ lệ đòn bẩy tài chính để có nguồn lực tài trợ cho các dự án lớn. Điều này khiến áp lực tài chính của công ty bất động sản của tỷ phú Bùi Thành Nhơn gia tăng.

Dù con số tuyệt đối D/E là căn cứ ban đầu để đánh giá hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu một doanh nghiệp nhưng không phải lúc nào chỉ số này tăng cũng là xấu.

Ví dụ trường hợp của Vinhomes, nợ phải trả tăng nhưng chủ yếu là tăng nợ ngắn hạn trong đó tập trung vào khách hàng trả trước. Tín hiệu này lại tích cực đối với doanh thu được ghi nhận trong tương lai của doanh nghiệp. Ngược lại, Novaland lại tăng mạnh nợ dài hạn, chủ yếu là vay dài hạn, phải trả dài hạn khác.