Doanh nghiệp

DN xây dựng bớt âu lo khi hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đổi mới

Hoàng Dung

(Dân trí) - "Nếu Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn tương đồng với các nước tiên tiến trên thế giới thì các sản phẩm trong nước dễ dàng thâm nhập vào thị trường khó tính" - đại diện một doanh nghiệp nói.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn (TCQC) luôn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của công trình xây dựng. Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, kiểm định, bảo trì, sửa chữa các công trình xây dựng.

Tại buổi Tọa đàm "Nghiên cứu, phổ biến Đề án hoàn thiện hệ thống TCQC kỹ thuật xây dựng theo định hướng mới, thúc đẩy vai trò quản lý của Nhà nước và đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động xây dựng" và "Bàn về định hướng ngành VLXD phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới" diễn ra vào chiều nay (22/12), nhiều diễn giả, doanh nghiệp đã đưa ra những vấn đề thời sự.

DN xây dựng bớt âu lo khi hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đổi mới - 1

Khung cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Lương Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng CONINCO cho rằng, để cường tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì việc xây dựng "Tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam" phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế là cần thiết và tất yếu. Không những thế, các doanh nghiệp còn có cơ hội khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu trong tương lai.

"Nếu Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn tương đồng với các nước tiên tiến trên thế giới, các tiêu chuẩn đáp ứng rào cản kỹ thuật của các nước tiến tiến thì các sản phẩm trong nước dễ dàng thâm nhập vào những thị trường khó tính" - ông Bình nói.

Như hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có tới gần 1.600 tiêu chuẩn Việt Nam. Theo dự kiến, từ năm 2020 - 2030 sẽ chuyển đổi hơn 1.000 tiêu chuẩn Việt Nam từ nền tảng tiêu chuẩn Liên Bang Nga sang nền tảng tiêu chuẩn châu Âu. Đây là sự cập nhật và chuyển đổi cần thiết để bắt kịp với thời cuộc.

Đồng quan điểm, ông Dương Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai nhận thấy, việc áp dụng kịp thời những tiêu chuẩn quy chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp được "cởi trói".

Lấy ví dụ như Xuân Mai, năm 1999 đã áp dụng công nghệ bê tông dự lực bán kiềm chế công nghệ PS vào Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó chưa có các tiêu chuẩn nên khi áp dụng lại phải áp dụng quy chuẩn châu Âu vào thiết kế. Việc áp dụng quy chuẩn châu Âu phải xin phép Bộ Xây dựng, nên mất rất nhiều thời gian và dẫn đến chậm tiến trình.

Nhưng từ năm 2009, Bộ Xây dựng ra văn bản được phép áp dụng tiêu chuẩn châu Âu vào trong thiết kế thì từ đó đã thúc đẩy rất nhanh việc đưa vào thực tiễn áp dụng trong các công trình.

"Rõ ràng phải có tiêu chuẩn mới ra được thị trường, không có tiêu chuẩn thì không có cơ sở nào để đánh giá, kiểm tra. Việc ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kịp thời là hành động cần thiết, ngoài giúp cởi trói cho doanh nghiệp, còn giúp chuẩn hóa được quy trình sản xuất trong nhà máy." - ông Tuấn phát biểu.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, tại Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng có nêu rõ: Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, có khẳng định cần phải rà soát hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn là một nội dung quan trọng.

Vì thế, tại Nghị quyết số 02, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án và cuối năm 2017 thì Đề án được hoàn thiện, trình Chính phủ và được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 09/02/2018 với tên gọi Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án, đến năm 2020 hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố "Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng" bao gồm 15 - 20 quy chuẩn Việt Nam để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thường xuyên soát xét, cập nhật nội dung các quy định trong Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng.