Địa ốc thưởng Tết: Nhiều đại gia lấy lại phong độ, thấp thỏm chờ "bom tấn"
(Dân trí) - Doanh nghiệp bất động sản ghi nhận phục hồi ở cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2020. Trong số đó, nhiều "đại gia" có mức tăng trưởng tốt, do vậy vẫn kỳ vọng có "bom tấn" thưởng Tết.
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Gần Tết, chủ đề nhiều người quan tâm, hỏi han nhau nhất vẫn là chuyện "thưởng Tết có to không?". Trong các ngành, bất động sản là lĩnh vực nổi tiếng với "bom tấn" về thưởng Tết.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay thưởng Tết địa ốc có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bết bát, giải thể. Tuy nhiên cũng có công ty nhanh chóng tăng tốc những tháng cuối năm, mau chóng lấy lại phong độ, doanh thu lợi nhuận tăng nhanh chóng.
Số liệu của FiinPro cho thấy, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận phục hồi ở cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2020. Điều đáng nói hơn, sự phục hồi đó không chỉ đến từ những doanh nghiệp hàng đầu, mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ hơn.
"Soi" tình hình sức khỏe của 1.009/1.662 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, thì nhóm doanh nghiệp bất động sản ghi nhận doanh thu quý III/2020 tăng trưởng 23,9% và lợi nhuận sau thuế tăng 22,4%.
Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia của FiinPro cũng dự báo ngành bất động sản sẽ hồi phục trong quý IV năm nay với mức tăng trưởng dự kiến là 22,4% do quý cuối năm thường là cao điểm bán hàng.
Đáng lưu ý, dữ liệu của FiinPro ghi nhận yếu tố tích cực đó là lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng tại cuối quý 3/2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua.
Với những con số nêu trên, thị trường vẫn trông chờ những mức thưởng Tết xứng đáng đối với các nhân viên, nhà quản lý có sự nỗ lực không mệt mỏi, giúp công ty vượt qua khó khăn thời Covid-19.
Chủ một doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội cho biết, dù khó khăn còn có thể vẫn kéo dài nhưng đối với những nhân viên xuất sắc, đạt hoặc vượt xa chỉ tiêu đề ra trong năm thì nên có mức thưởng xứng đáng.
"Tôi nghĩ mức thưởng trăm triệu, hay thưởng nhà như mọi năm vẫn sẽ có, tuy không nhiều. Còn nhớ những năm trước, đặc biệt là hồi năm 2017, 2018, nhiều người làm việc trong các tập đoàn bất động sản lớn được thưởng ô tô, nhà hay những chuyến du lịch nước ngoài xa xỉ cả tuần lễ", vị này chia sẻ.
Môi giới trông ngóng
Việc thưởng Tết thực tế được chi trả dựa trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, rõ ràng khi kinh doanh không thuận lợi thì việc thưởng Tết sẽ giảm hơn. Mức thưởng lớn, đột biến như xe sang, thưởng nhà có nhưng được dự đoán không nhiều. Bởi bên cạnh những doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi nhanh chóng sau đại dịch thì không ít chỗ vẫn vô cùng ì ạch.
Anh Nguyễn Văn Chiến, nhân viên môi giới tại khu vực Hà Nội cho biết, nếu như mọi năm tầm này cả công ty xôn xao hỏi han kế hoạch thưởng Tết thì năm nay mọi thứ chùng xuống. Không khí công ty ảm đạm vì cả năm nay khó khăn, cuối năm túc tắc bán được hàng nhưng chỉ đủ để bù lại lúc đóng cửa vì dịch, khó mang ra để chi trả thưởng.
"Tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có mức thưởng xứng đáng vì cả năm nay khó khăn rồi, cũng mong có đồng nọ đồng kia dịp Tết để trang trải", anh Chiến nói.
Sự khó khăn của đa số dân môi giới xuất hiện từ năm 2019. Năm ngoái, thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn, ách tắc liên quan đến câu chuyện pháp lý, hàng không có để bán. Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện những doanh nghiệp thưởng Tết "khủng" với xe xịn hoặc lượng tiền mặt rất lớn.
Trong lễ tổng kết năm 2019 của một tập đoàn địa ốc tại quận 3, TP.HCM, hàng trăm khách mời cùng cán bộ nhân viên đã bất ngờ với phần thưởng Tết có giá trị là chiếc xe hơi BMW hàng tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác cũng ở TP.HCM thưởng Tết hàng chục căn hộ.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít điểm sáng trong lĩnh vực bất động sản với mức thưởng Tết hoành tráng. Hầu hết các đơn vị đối mặt với tình trạng cắt giảm thưởng, thậm chí đến nay vẫn nợ tiền hoa hồng môi giới. Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong năng lực quản lý, tìm kiếm thị trường khiến doanh nghiệp ngày càng hụt hơi trên thị trường. Ngoài ra, còn do nguyên nhân khách quan từ thị trường do nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp đều lao đao vì không có hàng để bán.