Đề xuất sửa Luật Đầu tư, gỡ ách tắc cho cả trăm dự án bất động sản

N.Khánh

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đề xuất sửa Luật Đầu tư. Việc nhanh chóng sửa luật được chuyên gia cho là sẽ gỡ ách tắc cho hàng trăm dự án bất động sản.

Đề xuất sửa Luật Đầu tư, gỡ ách tắc cho cả trăm dự án bất động sản - 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức đề xuất sửa Luật Đầu tư, tháo gỡ điểm được cho là gây ách tắc lớn trên thị trường bất động sản (Ảnh: Đỗ Quân).

Đề xuất sửa gì?

Ngày 15/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ đề nghị cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ giao các bộ ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, đánh giá kỹ tác động về đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (Nội dung điểm c là về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở).

Với yêu cầu nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức có văn bản gửi Bộ Tư pháp cho ý kiến về nội dung này. Trong văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư.

Hiện khoản 1 Điều 23 đang quy định cụ thể các trường hợp được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở khi "a) Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; b) Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở; c) Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định này, tất cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định nêu trên là không phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất; quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Nhà ở về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua hình thức chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; quy định tại các Điều 52, 57, 58... về việc người sử dụng đất được xem xét chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 như sau: "Có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai".

Mục tiêu cụ thể việc sửa đổi được khẳng định là nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, góp phần xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện.

Gỡ khó cho dự án ách tắc 

Cũng theo văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ phản ánh của một số địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hiện có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện (trong đó, Hà Nội có 82 dự án, TPHCM có 126 dự án...). Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở và là một trong những nguyên nhân làm tăng giá nhà.

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ ngay các khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án.

Theo vị này, việc chậm sửa đổi, bổ sung sẽ là tác nhân làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở thương mại dẫn đến làm sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm chậm việc đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Trước đó, trong rất nhiều văn bản gửi Chính phủ, lãnh đạo HoREA cho biết trong 5 năm qua, tính từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực 1/7/2015 đến ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực 1/1/2021, đã có hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Riêng TPHCM tính đến tháng 9/2018, có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở.

Để tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản Hà Nội và TPHCM cùng các địa phương, hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp cần nhanh chóng xem xét, thống nhất với đề xuất sửa đổi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.