Đề nghị chưa ưu đãi xây khu đô thị, du lịch, sân golf ở KKT Vân Phong
(Dân trí) - Một số đại biểu đề nghị chưa quy định chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong Khu kinh tế Vân Phong vì không thuộc lĩnh vực ưu tiên.
3 điều kiện cần có để hưởng ưu đãi khi đầu tư vào KKT Vân Phong
Chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, nội dung dự thảo Nghị quyết gồm việc ưu đãi đặc thù trong quản lý tài chính; ngân sách Nhà nước; quy hoạch; đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi đầu tư công; thu hút đầu tư trong khu kinh tế (KKT) Vân Phong; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển...
Về chính sách thu hút đầu tư trong KKT Vân Phong, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã quy định danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn tương xứng với tiềm lực của nhà đầu tư chiến lược.
Trên cơ sở danh mục này, nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư cụ thể để thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược, ông Dũng cho biết nhà đầu tư phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, nhà đầu tư cần có năng lực tài chính và kinh nghiệm tương ứng với ngành nghề cụ thể. Thứ hai là có cam kết bằng văn bản về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng an ninh theo quy định. Thứ ba là được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để hút nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết, nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng…
Thẩm tra tờ trình dự thảo Nghị quyết, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09.
Tuy nhiên bà Mai lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư cần bảo đảm tuân thủ các điều kiện chặt chẽ vì Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
"Có ý kiến đề nghị chưa quy định chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong Khu kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư", bà Mai cho biết.
Ưu đãi gì về quản lý đất đai ở Khánh Hòa?
Trong nhóm chính sách đặc thù về quản lý đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có hai nhóm nội dung chính.
Trong đó, về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, dự thảo đề xuất HĐND tỉnh quyết định chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định và phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng.
Các trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Dự thảo cũng nêu rõ về thực hiện trước công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất đối với các dự án có vốn ngoài ngân sách Nhà nước tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Cụ thể, đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới... sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định từ 300 ha trở lên, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, HĐND tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.
Trên cơ sở đó, sẽ cho phép cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai ban hành thông báo để tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất. Đồng thời phải gửi thông báo này đến từng người sử dụng đất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sau đó, sẽ tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật đất đai được phép triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.
Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của UBND cấp xã và người sử dụng đất đối với tổ chức làm nhiệm vụ này.
Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai ban hành thông báo thu hồi đất. Kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được sử dụng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của Luật Đất đai.
HĐND tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất và ban hành trình tự thủ tục thực hiện các quy định này.
Liên quan đến nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng.
Cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ chủ động thực hiện để bảo đảm tính linh hoạt, bao quát mọi trường hợp phát sinh.